1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Từ chối hàng trăm triệu đồng, người đàn ông Vân Kiều quyết giữ rừng gỗ quý

(Dân trí) - Sở hữu rừng gỗ quý với gần 1.000 gốc huỷnh, được trồng cách đây hơn 20 năm, có người ra giá mua hơn 450 triệu đồng, nhưng người đàn ông Vân Kiều tại Quảng Trị vẫn khước từ với quyết tâm giữ rừng cho thế hệ sau.

Trong khi đâu đó vẫn ghi nhận những vụ lâm tặc xẻ rừng lấy gỗ, thì tại huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị có một người dân tộc thiểu số đang trồng và chăm sóc thành công rừng gỗ quý, được các ngành chức năng khen ngợi.

Từ chối hàng trăm triệu đồng, người đàn ông Vân Kiều quyết giữ rừng gỗ quý - 1

Ông Ra Ơi thường xuyên phát dọn cây bụi cho cây huỷnh phát triển.

Rừng gỗ quý của người đàn ông Vân Kiều

Người đã góp sức giữ lấy màu xanh cho rừng là ông Hồ Ra Ơi (50 tuổi) ở thôn Khe Van, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Sinh sống ở vùng rừng núi, ông Ra Ơi hiểu được giá trị của rừng xanh, xem rừng là báu vật, là nguồn sống; thấy rừng bị tàn phá là ông thổn thức xót xa.

Khi thấy được giá trị do rừng mang lại, ông Ra Ơi đã có việc làm "không giống ai" là đưa những cây giống từ trong rừng sâu về trồng trên rẫy với hy vọng bảo tồn những cây gỗ quý, góp phần bảo vệ môi trường sống.

Từ chối hàng trăm triệu đồng, người đàn ông Vân Kiều quyết giữ rừng gỗ quý - 2

Cánh rừng gỗ huỷnh gần 1.000 gốc, được ông trồng và chăm sóc suốt hơn 20 năm qua.

Sau hàng chục năm chăm sóc, cánh rừng gỗ huỷnh của ông Hồ Ra Ơi phát triển xanh tốt, trong sự ngạc nhiên của người dân địa phương.

Theo một số tài liệu, huỷnh, huệnh hay huỳnh (tên khoa học Tarrietia javanica) là loài cây gỗ, có thể cao trên 30 m, đường kính có thể tới 30 cm, thân thẳng, gốc có bạnh vè lớn, vỏ màu xám trắng. Huỷnh phân bố từ Nam đèo Ngang đến Tây Nam Bộ.

Từ chối hàng trăm triệu đồng, người đàn ông Vân Kiều quyết giữ rừng gỗ quý - 3

Cây gỗ huỷnh dáng thẳng...

Từ chối hàng trăm triệu đồng, người đàn ông Vân Kiều quyết giữ rừng gỗ quý - 4

... tán cây xoè rộng.

Chia sẻ về quá trình gây dựng rừng cây gỗ quý, ông Ra Ơi nói: Hồi trước ông cũng như bao người dân địa phương chuyên làm rẫy trồng lúa, trồng ngô. Nhưng khi thu hoạch xong, không biết làm gì nên đi rà phế liệu sau chiến tranh bán lấy tiền để sống. Mỗi chuyến đi thường kéo dài 10 ngày đến nửa tháng.

“Năm 1997-1998, trong quá trình tìm kiếm phế liệu trong rừng, do hết cơm gạo nên phải quay về lấy. Những lần về tay không như vậy mình thấy phí công sức, dọc đường về lại thấy nhiều cây huỷnh con mọc khá nhiều nên nảy sinh ý định nhổ cây mang về trồng. Cây nhỏ thì bằng chiếc đũa, to hơn thì bằng ngón tay, cao 30-40 cm. Lúc ấy, do thấy đất đai bỏ hoang nhiều cũng phí thì nhổ cây giống trong rừng về trồng, chứ chưa có cây tràm như bây giờ”, ông Ra Ơi kể.

Từ chối hàng trăm triệu đồng, người đàn ông Vân Kiều quyết giữ rừng gỗ quý - 5

Những cây gỗ lớn có đường kính hơn 30 cm.

Theo ông Hồ Ra Ơi, từ nhà ông vào rừng mất 2 giờ đi bộ. Với chiếc gùi trên lưng, ông nhổ mỗi đợt vài trăm cây giống mang về trồng. Chuyến đi khác ông cũng tìm cây nhổ mang về trồng cho đến khi không còn đất rẫy để trồng nữa mới thôi.

Ông Ra Ơi cho hay: “Cây giống thì nhiều lắm, có khi nhổ cả ngày cũng đến vài ngàn cây. Nhưng do chưa có kinh nghiệm, mình nhổ ngang nên đứt rễ khiến tỷ lệ sống không cao, cây chậm lớn. Những cây đào thì rễ nguyên, dễ phát triển hơn, cây khỏe hơn”.

Mặc dù ông mang về hàng ngàn cây giống, nhưng khá nhiều cây bị chết, chỉ còn sống và phát triển gần 1.000 cây. Qua quá trình chăm sóc, ông nhận thấy cây phát triển tốt nên thường xuyên phát quang, dọn sạch gốc cho thoáng đãng.

Từ chối hàng trăm triệu đồng, người đàn ông Vân Kiều quyết giữ rừng gỗ quý - 6

Cây có chiều cao hơn 20 m.

Từ chối hàng trăm triệu đồng, người đàn ông Vân Kiều quyết giữ rừng gỗ quý - 7

Nhiều gốc cây gỗ huỷnh lớn.

Đến nay, sau hơn 20 năm chăm sóc, rừng cây huỷnh của ông đã vươn cao hơn 15-20 m, dáng cây thẳng, đường kính nhiều cây đạt 30-35 cm, cây nhỏ hơn tầm 25 cm.

Rừng cây cách nhà ông một đoạn chừng 600m, nên tuần vài lần ông Hồ Ra Ơi đều lên thăm rừng cây và vui mừng khi thấy thành quả bao năm chăm sóc của mình đã được đền đáp. Không chỉ trồng cây huỷnh, ông Hồ Ra Ơi cũng thử nghiệm trồng một số cây trầm, sưa ở gần nhà.

Ông Ra Ơi nói rằng, khi thấy rừng cây của ông phát triển tốt, chính quyền địa phương cũng ghi nhận và khen ngợi việc làm của ông.

Từ chối hàng trăm triệu đồng, người đàn ông Vân Kiều quyết giữ rừng gỗ quý - 8

Với không ít người dân, việc sở hữu được rừng cây gỗ quý là một tài sản lớn. Dẫu còn khó khăn nhưng ông Hồ Ra Ơi vẫn giữ lấy rừng, trong khi nếu bán đi ông sẽ có được hàng trăm triệu đồng.

Ông Ra Ơi kể rằng, đã có người gạ mua rừng cây gỗ huỷnh của ông với giá 500 ngàn đồng mỗi cây, nghĩa là với rừng cây hiện có sẽ mang về cho ông số tiền hơn 450 triệu đồng. Đây là số tiền không ít người mơ ước, nhưng ông vẫn nhất quyết không bán.

Từ chối hàng trăm triệu đồng, người đàn ông Vân Kiều quyết giữ rừng gỗ quý - 9

Cây gỗ huỷnh ông trồng gần nhà có đường kính hơn 35 cm.

“Trước đây trồng rừng cây này mình cũng muốn bảo vệ môi trường sống, giữ lại màu xanh cho rừng, chứ không nghĩ rằng sẽ có giá trị như hiện nay. Mình sẽ giữ lấy khoảnh rừng này cho con cháu mai sau chứ nhất quyết không bán đi”, ông Hồ Ra Ơi quả quyết.

Ông Hồ Ra Ơi có 4 người con, 3 gái 1 trai. Người con gái lớn đã đi làm ăn xa, còn 2 con đang đi học.

Hiện ông Ra Ơi cũng đang chăm sóc 2 ha rừng tràm, đã cho khai thác 3 đợt, mỗi đợt gia đình thu được khoảng 40 triệu đồng.

Ông Hồ Chí Cường – Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp cho biết, hiện ông Hồ Ra Ơi đang chăm sóc hơn 1.000 cây gỗ huỷnh phát triển rất tốt. Đây là mô hình mới, trên địa bàn chưa có ai trồng được loại cây gỗ này.

Về giá trị kinh tế thì hiện chưa định giá được, nhưng xét đến việc bảo vệ rừng thì đây là mô hình mẫu, nhân rộng sẽ rất tốt. Nếu có nhiều người trồng được như thế này thì công tác bảo vệ rừng trên địa bàn sẽ rất hiệu quả.

 “Người dân chủ yếu đưa cây con về trồng để phát triển cây rừng chứ không có hành vi xâm hại. Trồng để bảo vệ rừng, tăng diện tích rừng thì tôi nghĩ không có gì là không phù hợp với quy định pháp luật”, ông Cường nói.

Đăng Đức