Gặp người chỉ làm đào thế theo tích cổ ở Thủ đô
Hàng chục năm qua, ở Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) ông Đỗ Văn Lan chỉ trồng đào thế theo “tích cổ”…
Trên mảnh đất “rốn” đào Nhật Tân, cái tên Đỗ Văn Lan là một tên tuổi lớn. Ông Lan không chỉ tài hoa, giàu kinh nghiệm, có những tuyệt kỹ tạo được những gốc đào tuyệt đẹp mang dáng dấp, “chất” riêng biệt, ông còn am hiểu tường tận về nghệ thuật trồng đào.
Cả đời gắn bó với cây đào Nhật Tân, hơn chục năm trước, ông Lan là người Nhật Tân đầu tiên mở công ty chuyên sản xuất đào thế. Ông chọn lối đi riêng, khi người làng chọn giống đào mắt trắng, ông lại chọn theo con đường khó trồng đào mắt đen. Đặc biệt, những cây đào thế được ông tạo hình trung thành với các thế cổ mang trên mình những sự tích ý nghĩa giáo dục nhân văn sâu sắc.
“Nghệ nhân” Đỗ Văn Lan thủ thỉ, cả đời trồng đào, ông chưa bao giờ tạo thế đào vượt qua nguyên lý, khuôn phép của những tích cổ. Ông quan niệm, dù là cỏ cây hoa lá hay con người đều gắn bó mật thiết với triết lý Âm dương. Những cây đào thế do tay ông Lan tạo nên tuân theo những chuẩn mực khắt khe.
“Nghệ thuật chơi đào thế cổ có những chuẩn mực không thể nào thay đổi, là thước đo vẻ đẹp của cây đào. Đã là đào thế, nhất thiết phải dựa trên 4 thế chủ đạo: Trực (dáng cây thẳng, thon dần từ gốc đến ngọn); Xiêu (cây nằm xiên về phải hoặc trái, thon dần từ gốc đến ngọn); Hoành (mô tả cây mọc bên sườn núi thoai thoải, những nhánh thấp nhất mọc dưới mép chậu cho đến khoảng giữa lưng chậu); Thác đổ (dáng huyền, cây có dáng như ngọn thác đổ chảy qua ghềnh đá, các nhánh thấp nhất thấp hơn đáy chậu). Từ 4 thế trên, người nghệ nhân có thể biến tấu, tạo tác thành những thế khác như Phụ tử, huynh đệ... Có điều, thế cây không được tách rời tích cổ, và phải tuân thủ triết lý âm dương”.
Ông lý giải, yếu tố Âm dương trong thế đào thể hiện rõ nét như cành thẳng là dương, đường cong là âm. Tỷ lệ tạo hình phải tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch: 3 lần chiều dài của dương mới được 1 đường âm. Hình dáng cây gắn liền với tích cổ, có ý nghĩa giáo dục nhân sinh đậm nét văn hóa Á đông.
“Bây giờ, người ta uốn đào đủ kiểu, uốn tự do, tùy tiện đặt tên cho dáng thế không theo chuẩn mực nào cả. Nhiều cây uốn đường âm (đường cong) nhiều quá trông cây đào rối mắt. Đào thế thường được làm theo các nét chữ nho, hoặc mang ý nghĩa sum vầy như: Phúc lộc thọ, mẫu tử, huynh đệ… Cây thế đẹp phải đạt được nét cân đối hài hòa, uốn tỉa tuân theo chuẩn mực. Trồng đào là nghệ thuật, chơi đào cũng thế phải gắn liền với triết lý giáo dục nhân sinh”, ông tâm sự.
Ông Lan nói, cây thế dáng trực biểu tượng của bậc quân tử, khẳng khái, chân thật, bất khuất, dáng xiêu, hoành, thác đổ thể hiện kiên cường vượt lên sóng gió, khó khăn: “Phụ tử mang tình nghĩa cha con; huynh đệ là tình anh em; quần thụ biểu tượng cho sự đoàn kết, trường tồn; tam đa tượng trưng phúc, lộc, thọ”…
“Nghệ nhân” chia sẻ, đào thế có loại ươm cây từ nhỏ, có loại ghép mắt đào Nhật Tân vào những gốc đào rừng già. Tuy nhiên, ít nhất từ 2 năm trở lên cây đào mới “lên hình lên dáng”. Một cây đào đẹp phải được trồng, tạo hình, chăm sóc từ 5-7 năm trở lên. “Giá đào thế phụ thuộc vào tuổi của cây, độ đẹp của dáng thế, hoa. Những cây đẹp có giá hàng chục triệu đồng thậm chí cả trăm triệu”, ông Lan thổ lộ…
Hoa của những gốc đào thế cổ mang vẻ đẹp rất riêng, hút hồn người chơi mỗi dịp Tết về…
Sở hữu đôi bàn tay tài hoa, ý tưởng khác người, những năm qua cây đào thế do ông Lan tạo nên luôn được ưa chuộng. Vụ đào Tết Bính Thân 2017, ông Lan đã chuẩn bị được 300 cây đào thế lớn, nhỏ...
Theo Danviet.vn