Gánh nặng thiếu nhân lực đè doanh nghiệp

(Dân trí) - Khu vực nông thôn vẫn tiếp tục tiếp tục thiếu nhân lực, còn tại khu vực công nghiếp, doanh nghiệp vẫn phải đau đầu với bài toán nhân công do công nhân liên tục thay đổi chỗ làm, tìm kiếm mức lương cao hơn.

Theo tính toán của Cục Việc làm, bước vào năm 2012, tại các địa phương tình trạng thiếu việc làm còn tiếp tục, nhất là khu vực nông thôn. Ước tính lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp sẽ giảm từ 500 - 600.nghìn người. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ nghiêm trọng hơn khi có thêm 1,5 - 1,6 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động.

Theo ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH, thách thức càng gia tăng khi phần lớn lao động nông thôn mặc dù có việc làm, thậm chí làm nhiều giờ, nhưng vẫn khó khăn về thu nhập. Tình trạng lao động di cư từ nông thôn ra thành thị quy mô lớn sẽ diễn ra. Kéo theo đó là ùn tắc giao thông, tạo áp lực nghiêm trọng lên cơ sở hạ tầng.

Gánh nặng thiếu nhân lực đè doanh nghiệp - 1

Nỗi lo thiếu nhân công khiến nhiều DN "đau đầu". (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân tình trạng này vẫn bởi khả năng thu hút đầu tư của DN vào lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu giải quyết việc làm tại chỗ, ngay cả địa bàn bị thu hồi đất nông nghiệp. Do đó như cầu việc làm ở nhóm đối tượng này rất lớn.

Tuy nhiên, nghịch lý xảy ra là, trong năm 2012 vẫn có nhiều DN sẽ đau đầu với tình trạng lao động “nhảy việc” ở các tháng đầu năm. Bởi đối tượng nhân công ở khu vực nông nghiệp phải chi trả quá nhiều chi phí trong quá trình dịch chuyển và các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hàng ngày nơi phương xa. Do đó, sự tích lũy của người lao động không nhiều, dẫn tới tâm lý luôn tìm kiếm cơ hội mới, công việc mới với mức lương cao hơn.

Chuyên gia cho rằng, để khắc phục tình trạng này DN và người lao động phải cùng nhau giải quyết các nhóm lợi ích. Cụ thể, phía DN cần phải tăng thu nhập thâm niên cho người lao động, bù lại, người lao động phải học tập và rèn luyện để có trình độ tay nghề cao, thì sẽ luôn ở vị trí ổn định. Trong đó, các chương trình dạy nghề, hướng nghiệp của Chính phủ dành cho đối lao động nông thôn rất quan trọng và cần thiết.

P. Thanh