Quảng Trị:
Gần Tết, người dân bắt "đặc sản đáy sông" kiếm 300-400 ngàn đồng/ngày
(Dân trí) - Những ngày cuối năm, người dân sống ở hạ nguồn sông Hiếu (tỉnh Quảng Trị) phải "chạy đua" với thời gian, lao động cật lực kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình, mong được cái Tết ấm no.
Người dân vùng Mai Xá, Mai Thị (xã Gio Mai) và các địa phương lân cận tại huyện Gio Linh đã quen với nghề sông nước, quanh năm bám đáy sông mưu sinh nhờ nghề cào hến, bắt ốc…
Mỗi ngày, người dân vật lộn trên sông cũng kiếm được từ 300-400 ngàn đồng, khi nhiều được 500 ngàn đồng. Nhưng để kiếm được chừng ấy, sự vất vả, khổ cực mà bà con bỏ ra cũng không ít.
Bắt ốc kiếm 300-400 ngàn đồng/ngày
Sau thời gian dài mưa bão, giá rét, anh Bùi Văn Minh (làng Mai Thị, xã Gio Mai) trở lại với nghề bắt ốc để kiếm tiền mua sắm Tết. Đây là công việc mưu sinh mà anh gắn bó gần chục năm nay, nhằm kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình.
Anh Minh nói rằng, vào mùa hè, anh theo thuyền của ngư dân đi biển thu mua hải sản, còn về mùa mưa chuyển sang bắt ốc. Dẫu vất vả nhưng anh luôn cố gắng kiếm tiền để gia đình bớt đi phần khó khăn và nuôi 3 đứa con.
Theo anh Minh, anh chỉ mới quay lại bắt ốc được mấy tuần trở lại đây. Công việc bắt đầu từ lúc giữa trưa, anh chạy thuyền dọc sông Hiếu để bắt ốc. Đến khoảng 3 giờ chiều, anh mới chạy thuyền trở về.
Sau hơn 5 giờ rong ruổi dọc sông Hiếu, thành quả anh có được khoảng hơn 3,5 kg ốc gạo. Anh nói, đây là loại ốc được coi là "đặc sản" có giá trị nên nhiều quán nhậu tiêu thụ nhiều.
Khi trở về, ốc được vợ anh Minh rửa sạch rồi mang lên nhập cho quán nhậu ở TP Đông Hà. Theo vợ anh Minh, mỗi kg sẽ được thu mua từ 120-150 ngàn đồng. Với số ốc bắt được sẽ bán được hơn 400 ngàn đồng.
"Loài ốc này thường bám vào cây bụi, đá. Năm nay do lũ lụt nên ốc rất khan hiếm vì đã bị trôi hết, chứ mọi năm nhiều hơn. Ốc xuất hiện theo mùa, khi nước cạn mới bắt được. Vì vậy, không phải khi nào cũng bắt được loài ốc này", anh Minh kể.
Khu vực dân cư nơi anh Minh sinh sống, người dân chủ yếu dựa vào nghề sông nước. Nhưng chỉ có anh Minh và em trai làm nghề bắt ốc.
"Làm nghề này nhẹ hơn cào hến, nhưng cũng không kém vất vả. Mỗi ngày chịu khó cũng kiếm từ 300-400 ngàn để chi tiêu cho cuộc sống", anh Bùi Văn Ngọc nói.
Quanh năm bắt "đặc sản đáy sông"
Nghề cào hến làng Mai Xá, xã Gio Mai đã có từ lâu đời. Miền quê này cũng nổi tiếng với bún hến Mai Xá - món ẩm thực, đặc sản tiêu biểu của Việt Nam. Bún Hến Mai Xá là một món ăn dân dã, không cầu kỳ nhưng mang hương vi đặc trưng riêng của một vùng quê Quảng Trị.
Nhiều năm qua, hàng chục người dân nơi đây sống dựa vào nghề cào hến. Từ sáng sớm, người dân dong thuyền dọc sông Hiếu hoặc sông Thạch Hãn, đến chiều mới trở về bến đãi hến.
Trở về bến sau nhiều giờ chạy dọc sông, anh Nguyễn Văn Quang mới cập bến để đãi hến. Anh nói rằng, công việc cào hến đã gắn bó với anh hơn 10 năm nay, là nguồn sống cho cả gia đình. Nhờ cào hến mà vợ chồng anh Quang mới có điều kiện nuôi con ăn học.
Anh Quang cho biết, càng ngày hến càng trở nên khan hiếm. Đặc biệt, sau đợt mưa lũ vừa qua hến trên sông Hiếu ít dần nên dù vất vả nhưng thành quả lao động không được bao nhiêu. Dẫu vậy, anh Quang vẫn quyết tâm bám nghề để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình.
"Mỗi ngày làm việc vất vả cũng kiếm được hơn 400 ngàn đồng, khi ít cũng 300 ngàn đồng. Nếu không đi cào hến thì không có nguồn thu nhập. Tết sắp đến rồi, tôi phải cố gắng để có đồng ra, đồng vào mua sắm mọi thứ trong gia đình. Không đi cào hến thì không biết làm gì", anh Quang nói.
Gần 20 năm gia đình anh Trương Công Hưởng sống dựa vào nghề cào hến, đã nếm trải đủ mọi khó nhọc, nhưng con hến cũng giúp gia đình vượt qua phần nào khó khăn.
Mỗi ngày, vợ chồng anh Hưởng cào hến từ 5-6 giờ, đến giữa chiều thì trở về. Hến được rửa sạch ngay tại bến rồi đưa lên chế biến, tách vỏ để bán tại các chợ.
Vợ anh Hưởng cho hay, cả ngày vất vả trên sông cũng kiếm được hơn 400 ngàn đồng. Năm nay, do mưa bão liên tiếp, giá lạnh kéo dài nên vợ chồng cũng ít đi cào hến.
Nghề cào hến tuy có phần vất vả nhưng là kế sinh nhai của nhiều hộ dân ở xã Gio Mai, Quảng Trị. Gần đến Tết, các hộ dân vùng ven sông Hiếu phải bám nghề bắt ốc, cào hến để mong kiếm thêm nguồn thu nhập mua sắm Tết.