1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Gần 67.000 lao động hồi hương tìm kiếm chìa khóa mở cơ hội việc làm

Hoàng Lam

(Dân trí) - Với hơn 66.700 lao động Nghệ An từ các tỉnh có dịch trở về đã tạo ra nhiều áp lực cho công tác giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh của các địa phương và ngành chức năng.

Gần 67.000 lao động hồi hương tránh dịch

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Nghệ An, trước thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, địa phương này có hơn 334.000 người đang làm việc, sinh sống và học tập ngoài tỉnh. Khi dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt là vào thời điểm tháng 4 ở phía Bắc và tháng 7-8/2021 tại các tỉnh phía Nam, công dân Nghệ An bắt đầu trở về địa phương tránh dịch, trong đó có nhiều lao động.

Gần 67.000 lao động hồi hương tìm kiếm chìa khóa mở cơ hội việc làm  - 1

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, tính đến ngày 8/10 đã có 92.000 công dân Nghệ An trở về từ các địa phương có dịch, trong đó gần 67.000 người trong độ tuổi lao động (Ảnh: Hoàng Lam).

Số liệu thống kê đến ngày 8/10, đã có gần 92.000 công dân Nghệ An trở về quê, chủ yếu là từ các tỉnh có dịch phía Nam như: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... Trong đó có hơn 2.500 người đi bằng máy bay, gần 89.500 người di chuyển bằng đường bộ. Đặc biệt, từ đầu tháng 10 tới nay có khoảng 7.000 người từ phía Nam về tự phát bằng xe máy, xe đạp và cả đi bộ.

"Qua rà soát, phân loại của các địa phương cho thấy, có gần 66.900 người dân trở về quê trong độ tuổi lao động, chiếm 75,97% số người trở về. Trong đó có hơn 24.700 lao động có giao kết hợp đồng lao động, chiếm 37,1%; không có giao kết hợp đồng lao động hay là lao động tự do chiếm số lượng lớn, lên tới 62,9%. Lao động có chuyên môn kỹ thuật khoảng hơn 50.000 người, chiếm hơn 70%", ông Bùi Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An thông tin.

Gần 67.000 lao động hồi hương tìm kiếm chìa khóa mở cơ hội việc làm  - 2

Ông Bùi Văn Hưng - Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An thông tin tình hình lao động về quê trong thời gian qua (Ảnh: Hoàng Lam).

Trên cơ sở số liệu công dân trở về, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An đã phối hợp các đơn vị chức năng, các ban ngành, đặc biệt là Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam và các huyện để rà soát, nắm bắt nhu cầu việc làm của người lao động. Qua rà soát, thống kê cho thấy có gần 45.300 lao động đăng ký tìm việc, trong đó hơn 21.500 lao động có nhu cầu làm việc trong tỉnh, khoảng 20.700 lao động có kế hoạch làm việc ngoại tỉnh và gần 2.900 lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động.

"Để làm tốt công tác giải quyết việc làm cho lao động trở về từ vùng có dịch, đảm bảo an sinh xã hội, Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn các địa phương và Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn. Cùng với đó, thông tin về nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu việc làm qua Trung tâm dịch vụ việc làm để doanh nghiệp và người lao động nắm, tăng cường kết nối cung - cầu lao động thông qua các phiên giao dịch việc làm, hội chợ việc làm...", ông Bùi Văn Hưng thông tin thêm.

Đa dạng hình thức kết nối, tư vấn giới thiệu việc làm

Từ tháng 7/2021, ngay khi làn sóng lao động hồi hương đầu tiên xảy ra, với nhiệm vụ được phân công, Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để khảo sát nhu cầu tuyển dụng.

Gần 67.000 lao động hồi hương tìm kiếm chìa khóa mở cơ hội việc làm  - 3

Người lao động đăng ký tiếp nhận thông tin việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An (Ảnh: Hoàng Lam).

Ông Lê Hải Dương - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An cho biết: "Đây là giai đoạn phục hồi sản xuất sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng cao. Qua khảo sát, 84 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang có kế hoạch tuyển dụng gần 30.000 lao động. Trong đó có 57 doanh nghiệp nội tỉnh có nhu cầu tuyển dụng hơn 15.000 lao động, 27 doanh nghiệp ngoại tỉnh tuyển dụng gần 14.000 lao động".

Kết nối cung - cầu được xem là chìa khóa mở cánh cửa trong giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm trực tiếp bị gián đoạn. Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An đã thay đổi hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm trực tiếp sang gián tiếp thông qua Facebook, Zalo hoặc qua điện thoại. Các thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp liên tục được cập nhật trên trang Fanpage của Trung tâm để người lao động dễ tiếp cận.

Gần 67.000 lao động hồi hương tìm kiếm chìa khóa mở cơ hội việc làm  - 4

Thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và các phiên giao dịch việc làm online được thông báo trên trang Fanpage của Trung tâm dịch vụ việc làm để người lao động dễ dàng tiếp cận (Ảnh chụp màn hình).

Để các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm không bị gián đoạn, Trung tâm thực hiện các phiên giao dịch việc làm online mỗi tháng 2 lần. Doanh nghiệp và người lao động gửi đăng ký qua địa chỉ email của Trung tâm và được hướng dẫn cụ thể các bước tiếp theo để tham gia thông qua ứng dụng Google meet.

"Hiện nay tình hình dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát, ngày 21/10, tỉnh Nghệ An ban hành thông báo về các cấp độ dịch đối với từng địa bàn. Trên cơ sở đó, song song với các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm online, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch phối hợp các địa phương và doanh nghiệp nối lại các phiên giao dịch, hội chợ việc làm trực tiếp cho người lao động, đặc biệt hướng tới lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, lao động trở về từ các tỉnh có dịch phía Nam", ông Lê Hải Dương thông tin.

Theo kế hoạch, các hội chợ việc làm, phiên giao dịch việc làm trực tiếp sẽ được tổ chức tại huyện Kỳ Sơn và huyện Đô Lương, trong thời gian từ 26-30/10.