1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Dự báo thưởng Tết tăng, Bộ Lao động giục các địa phương báo cáo trước 30/12

(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản đôn đốc 63 địa phương khảo sát tình hình nợ lương, thưởng và kế hoạch thưởng Tết âm lịch Bính Thân 2016. Bốn nhóm doanh nghiệp được chú trọng là Công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước là chủ sở hữu, DN có vốn góp của Nhà nước, DN tư nhân, DN FDI.

Bộ LĐ-TB&XH dự đoán mức thưởng Tết âm lịch năm 2016 sẽ tăng nhẹ so với năm 2015.
Bộ LĐ-TB&XH dự đoán mức thưởng Tết âm lịch năm 2016 sẽ tăng nhẹ so với năm 2015.

Theo đó, các Sở LĐ-TB&XH khẩn trương yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn rà soát lại quy chế, quy định của doanh nghiệp về tiền lương, tiền thưởng để điều chỉnh, sửa đổi hoặc bổ sung theo quy định của Bộ Luật Lao động năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Để thực hiện việc này, Bộ LĐ-TB&XH lưu ý các địa phương đề nghị doanh nghiệp phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn xây dựng phương án hỗ trợ người lao động các khoản phụ cấp, trợ cấp, phương án tiền thưởng trong dịp Tết và thông báo cho người lao động trong doanh nghiệp biết.

Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các địa phương khảo sát, nắm tình hình tiền lương, nợ lương năm 2015 và kế hoạch thưởng cho người lao động ở các doanh nghiệp trên địa bàn trong dịp Tết. Thời hạn báo cáo về Bộ LĐ-TB&XH trước ngày 30/12/2015.

Các nội dung khảo sát lương, thưởng 2016, gồm:

Tiền lương bình quân năm 2015 (số lao động trong doanh nghiệp; mức lương cao nhất, thấp nhất và trung bình).

Tiền thưởng Tết dương lịch năm 2016 (số lao động trong doanh nghiệp; tiền thưởng cao nhất, thấp nhất và trung bình).

Tiền thưởng Tết nguyên đán Bính Thân 2016 (số lao động trong doanh nghiệp, mức lương cao nhất, thấp nhất và trung bình).

Về tình hình nợ lương năm 2015, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các địa phương tập trung vào lao động thuộc 4 nhóm: Dệt may, da giày, chế biến thủy sản và chế biến gỗ. Đặc biệt phân tách rõ các nguyên nhân gây nợ lương như: Chủ doanh nghiệp bỏ trốn, doanh nghiệp đóng cửa, doanh nghiệp khó khăn.

Trao đổi với báo giới trước đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân dự đoán, mức thưởng Tết Bính Thân 2016 sẽ “nhỉnh” hơn mức thưởng năm 2015.

“Chỉ số GDP tăng, giá trị sản xuất công nghiệp, tiền lương và thu nhập cơ bản ổn định, nhiều doanh nghiệp còn tăng. Trên nền sản xuất phục hồi có hiệu quả, tôi dự đoán xu hướng doanh nghiệp sẽ thưởng Tết Âm lịch tăng lên. Theo kinh nghiệm năm trước, các khối ngân hàng, dịch vụ và tài chính thường có mức thưởng cao hơn trong năm nay. Khối sản xuất thì thường duy trì như trước” - Thứ trưởng Phạm Minh Huân dự đoán.

Cũng từ ngày 1/1/2016, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm khoảng 250.000-400.000 đồng/vùng/tháng. Cụ thể: Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng; Vùng II: 3.100.000 đồng/tháng; Vùng III: 2.700.000 đồng/tháng; Vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng.

Đối tượng thụ hưởng là người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động.

Đây là nội dung chính của Nghị định số 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ 1/1/2016.

Khảo sát lương, thưởng Tết 2015: Trung bình 5,03 triệu đồng/người

Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong gần 13.200 doanh nghiệp sử dụng 2,5 triệu lao động, mức thưởng Tết Nguyên đán 2015 đạt trung bình khoảng 5,03 triệu đồng/người, tăng 15% so với mức thưởng Tết 2014.

Mức thưởng Tết Nguyên đán 2015 thấp nhất được doanh nghiệp báo cáo chỉ ở mức 30.000 đồng/người, khoảng 20% doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán. Nhóm các doanh nghiệp Nhà nước có mức tăng cao nhất: 7.000.000 đồng/người. Các doanh nghiệp FDI tăng khoảng 4,8 triệu đồng/người, doanh nghiệp dân doanh tăng khoảng 4,4 triệu đồng/người.

Hoàng Mạnh