“Đóng ít mà hưởng cao thì quỹ nào chịu được”

Nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm hưu trí do thực trạng đóng ít, hưởng nhiều là vấn đề đang được dư luận rất quan tâm.

Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng (Ảnh: Lao Động)
Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng (Ảnh: Lao Động)

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), với các chính sách như hiện hành, quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần. Theo đó, năm 2021, thu không đủ chi trong năm; đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu, quỹ mất cân đối.

Chính vì vậy, trong buổi làm việc cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Luật BHXH sửa đổi và sáng 13/8, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm vấn đề này.

Phải thực hiện kẻo người lao động thiệt thòi


Về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc, nhiều ý kiến tán thành quy định từ ngày 01/1/2018 (dù Luật có hiệu lực từ 1/7/2015) trở đi mới áp dụng cách tính tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, việc quy định đầy đủ các yếu tố của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là cần thiết để nâng mức hưởng lương hưu của người lao động, góp phần tăng nguồn thu cho quỹ BHXH (thực tế mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chỉ khoảng 60-70% thu nhập thực tế).

Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, tiền lương tối thiểu đang trong lộ trình thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động nên việc quy định lộ trình thực hiện từ ngày 01/1/2018 sẽ đảm bảo tính khả thi hơn. Vì theo dự kiến năm 2018, lương tối thiểu sẽ thực hiện đầy đủ theo quy định của Bộ luật lao động.

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng, một điều phi lý khiến người lao động ngoài nhà nước thiệt thòi chính là việc căn cứ mức lương được trả trên hợp để đóng BHXH. Ông Tùng lấy ví dụ lương ký 2 triệu đồng thì người sử dụng lao động chỉ đóng BHXH trên số đó nhưng thực tế các khoản phụ cấp khác như xăng xe, tiền điện thoại, tiền nhà… cộng với lương cao hơn nhiều. Kết quả là người lao động dù có được đóng liên tục thì khi lĩnh vẫn thấp. Do đó cần tính cả phụ cấp.

Về thời điểm áp dụng cách tính tiền lương, phụ cấp để đóng BHXH, ông Đặng Ngọc Tùng thẳng thắng: “Cứ lấy lý do doanh nghiệp khó khăn thì cuối cùng người thiệt là người lao động. Phải cố thực hiện điều 91 Bộ Luật lao động, để ngày nào lao động thiệt ngày đó. Hứa 2018 thì phải là 2018, không thể kéo dài”.

Đóng ít mà hưởng nhiều là không ổn

Đề cập đến nguy cơ vỡ quỹ lương hưu như cảnh báo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, BHXH phải đảm bảo nguyên tắc Đóng và Hưởng để quỹ an toàn: “Mức đóng ít, thời gian đóng ngắn mà đòi hưởng cao và lâu thì không quỹ nào chịu được”.

Về điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đưa ra hai phương án. Theo đó, phương án 1 là điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Ảnh:TTXVN)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Ảnh:TTXVN)

Còn phương án 2 là số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.

Theo bà Trương Thị Mai, cả 2 phương án đều hướng tới mục tiêu bảo đảm việc cân đối đóng – hưởng BHXH, tuy nhiên trong điều kiện tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động thì cần giảm thiểu tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ.

Việc thực hiện quy định này phải đồng bộ với lộ trình thu BHXH trên cơ sở mức tiền lương tháng đóng BHXH theo quy định tại Điều 90 của Bộ luật lao động để đảm bảo tiền lương hưu người lao động thực nhận không bị sụt giảm nhiều so với trước đó. Bên cạnh đó, do tuổi nghỉ hưu của nam, nữ chênh lệch 5 năm nên cần phải cân nhắc bảo đảm bình đẳng giới trong khi điều chỉnh chính sách này

Từ quan điểm trên, bà Mai cho biết Thường trực Ủy ban tán thành với phương án 1, đồng thời đề nghị quy định lộ trình nâng số năm đóng BHXH của nam giới từ 15 năm lên 20 năm để đạt 45% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu. Lộ trình này tạo điều kiện để lao động nam có thời gian thích ứng với các thay đổi chính sách theo hướng cân đối đóng - hưởng như mục tiêu xây dựng Luật đã đặt ra.

Bà Trương Thị Mai cũng cho biết, điều luật thiết kế theo hướng không khuyến khích về hưu sớm mà phải về hưu đúng tuổi.

Ủng hộ phương án 1, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng góp ý thêm: “Cứ áp dụng mức 45% như hiện nay thì không bao giờ vỡ quỹ miễn đừng lấy quỹ này trả cho người đóng thấp mà hưởng cao”./.
Theo Ngọc Thành/VOV.VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm