Đơn vị nào chi trả trợ cấp thôi việc?
Bà Hà Phương (TP. Hà Nội) làm việc tại Công ty VCSC là đơn vị hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam từ ngày 1/11/2000, đến tháng 11/2018 chấm dứt hợp đồng với VCSC chuyển sang làm việc tại Công ty VLC cũng là đơn vị hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Khi giải quyết thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động, Công ty VCSC không trả trợ cấp thôi việc cho bà với lý do bà chuyển sang Công ty VLC cũng là đơn vị hạch toán phụ thuộc cùng Tổng công ty, chỉ khi chấm dứt hoàn toàn ra khỏi các đơn vị hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty thì mới được trả trợ cấp thôi việc tại đơn vị cuối cùng trước khi chấm dứt hợp đồng.
Bà Phương hỏi, Công ty VCSC không chi trả trợ cấp thôi việc cho bà là đúng hay sai?
Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động, khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10, Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.
Theo bà Hà Phương phản ánh, Công ty Vận tải biển Container Vinalines (viết tắt là VCSC) và Công ty Vận tải biển Vinalines (viết tắt là VLC) là 2 công ty con hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Bà Phương có thời gian công tác tại VCSC từ 1/11/2000. Đến tháng 11/2018, bà chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty này và chuyển sang làm việc tại VLC. Với lý do, VCSC và VLC đều là một trong các công ty con hạch toán phụ thuộc của công ty mẹ là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, nên VCSC không trả trợ cấp thôi việc cho bà Hà Phương và cho rằng chỉ khi bà Phương chấm dứt hợp đồng lao động, ra khỏi các đơn vị hạch toán phụ thuộc của công ty mẹ thì mới được trả trợ cấp thôi việc tại công ty con cuối cùng khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Khoản 2 Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định, Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác. Công ty mẹ, công ty con và mỗi công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty có quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp độc lập theo quy định của pháp luật.
Theo đó, các công ty con hạch toán phụ thuộc tổng công ty, bình đẳng như các doanh nghiệp độc lập khác trong việc sử dụng lao động, giao kết hợp đồng lao động và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Công ty VCSC giao kết hợp đồng lao động với bà Hà Phương, khi hợp đồng lao động với bà Phương được chấm dứt theo một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10, Điều 36 Bộ luật Lao động thì, Công ty VCSC có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động mới đúng.
Theo Chinhphu.vn
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.