Đơn hàng Tết quá tải, thợ đèn lồng Hội An tăng ca thâu đêm

Ngô Linh

(Dân trí) - Một số cơ sở làm đèn lồng phục vụ Tết Nguyên đán 2023 ở TP Hội An, Quảng Nam đã phải dừng nhận đơn đặt hàng do quá tải, sản xuất thâu đêm để kịp cung ứng thị trường.

Nhắc đến Hội An, không ít người thường nghĩ ngay đến những ngôi nhà cổ và "đặc sản" đèn lồng. Và cứ mỗi năm Tết đến, làng nghề làm đèn lồng truyền thống ở Hội An lại hối hả sản xuất hàng ngàn chiếc để cung ứng cho thị trường.

Những ngày này, không khí tại các cơ sở làm đèn lồng truyền thống Hội An lại tất bật, nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường. Đơn đặt hàng về liên tục, thợ làm nghề phải tăng ca thâu đêm, một số nơi buộc phải dừng nhận đơn do quá tải.

Đơn hàng Tết quá tải, thợ đèn lồng Hội An tăng ca thâu đêm - 1

Thợ đèn lồng phải làm tăng ca để kịp cung ứng thị trường.

Ông Phan Văn Trung (chủ cơ sở đèn lồng Thảo Quỳnh, TP Hội An) cho biết, dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhu cầu sử dụng đèn lồng trang trí tăng cao do nhiều doanh nghiệp, đơn vị bắt đầu mở cửa trở lại sau đại dịch.

Khách gọi đặt hàng liên tục nhưng cơ sở phải tạm dừng tiếp nhận vì lượng nhân công không đủ đáp ứng, chủ cùng thợ làm liên tục ngày đêm để kịp các đơn đã ký kết.

"Hơn hai năm ảnh hưởng dịch bệnh, cơ sở làm ăn cầm chừng để duy trì việc làm cho người lao động. Dịp Tết năm nay, khách đặt hàng tăng cao 2-3 lần so với ngày thường, chúng tôi tranh thủ làm thêm. Ngoài 10 lao động làm tại chỗ, nhiều người cũng nhận việc về làm tại nhà", chủ cơ sở chia sẻ thêm.

Với truyền thống hơn 20 năm, đèn lồng của cơ sở ông Trung được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Làng đèn lồng cũng là điểm tham quan, trải nghiệm làm đèn lồng của du khách khi ghé Hội An.

Đơn hàng Tết quá tải, thợ đèn lồng Hội An tăng ca thâu đêm (Video: Ngô Linh)

Quy trình chế tác đèn lồng được chia làm 2 công đoạn chính là làm khung tre và bọc vải.

Tre trước tiên phải được ngâm kỹ 10 ngày bằng nước muối để tránh mối mọt, sau đó phơi khô, sau đó được chẻ ra và vót thành từng nan mỏng tùy theo kích cỡ từng loại đèn.

Vải được bọc đèn thường là vải xoa hoặc vải lụa tơ tằm nhiều màu sắc, có độ dai để khi căng ra không bị rách. Trước tiên vải được cắt ra làm nhiều mảnh, tùy theo kích thước của đèn, sau đó được bôi keo rồi dán lên khung đèn.

Đơn hàng Tết quá tải, thợ đèn lồng Hội An tăng ca thâu đêm - 2

Công đoạn chuốt, định hình dáng đèn lồng cũng là khâu quan trọng.

Chuôi đèn được làm bằng sợi tơ nhân tạo gắn với một viên bi gỗ. Phải mất 4 ngày từ khi vót nan cho đến khi xong 2 chiếc đèn lồng cộng với 3 công vẽ, trang trí.

Tại cơ sở làm đèn lồng Hà Linh, không khí sản xuất cũng rộn ràng không kém. Bà Nguyễn Thị Diệu Linh, chủ cơ sở cho hay đèn lồng ở đây cung ứng trong nước và xuất khẩu sang Thái Lan, Malaysia, Mỹ và Pháp.

"Dịp Tết năm nay, sản lượng đèn làm ra tăng gấp đôi so với ngày thường, người thợ phải gia tăng sản xuất để đáp ứng. Đợt dịch vừa qua, cơ sở phải cắt giảm một nửa nhân công, năm nay có việc làm, mọi người phấn khởi lắm", chủ cơ sở nói.

Đèn lồng xuất hiện tại Hội An khoảng vào cuối thế kỷ 16. Cho đến nay, nghề làm đèn lồng ở Hội An đã có 400 năm tuổi. Hiện làng nghề có hơn 30 xưởng sản xuất, hơn 200 cơ sở kinh doanh đèn lồng.

Từ năm 1998, TP Hội An đã chủ trương xây dựng thương hiệu "Đêm rằm phố cổ", vận động các hộ dân và đình, chùa treo đèn lồng thay cho ánh đèn điện. Đây dần trở thành sản phẩm du lịch độc đáo và góp phần không nhỏ phát triển nghề sản xuất đèn lồng.

Đơn hàng Tết quá tải, thợ đèn lồng Hội An tăng ca thâu đêm - 3

Nghề làm đèn lồng tại Hội An đã có hơn 400 năm tuổi. Đèn lồng được du khách trong và ngoài nước yêu thích mua về làm quà mỗi khi ghé thăm Hội An.