1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đón giao thừa trên tàu, mang Tết về cho vợ, con

Hạnh Linh

(Dân trí) - 10 năm ngược xuôi bán mai dịp Tết, ông Vinh đều đón giao thừa trên tàu, xe, song người đàn ông ấy luôn vui khi bán hết hàng, mang Tết về cho vợ, con.

Cận Tết, điểm bán mai của ông Nguyễn Quang Vinh (59 tuổi, trú thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) trên đường Nguyễn Duy Hiệu, phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa còn cả nghìn gốc mai chờ khách đến mua.

"5 năm bán hàng ở đây, tôi hiểu người dân Thanh Hóa cứ phải ngày 29, 30 mới đi sắm mai chơi Tết. Vì nhiều người quan niệm, khi dọn dẹp nhà cửa sạch, sẽ đi chợ mua mai, mua đào về chưng, nó mới có hồn. Tôi luôn kiên nhẫn chờ khách, kiểu gì trước giao thừa 5 tiếng đồng hồ, cũng bán hết để kịp dọn dẹp, đón tàu về quê", ông Vinh nói.

Đón giao thừa trên tàu, mang Tết về cho vợ, con - 1

Ông Vinh trò chuyện về những lần đón giao thừa trên tàu, xe (Ảnh: Hạnh Linh).

Sinh ra ở vựa mai nhưng từ nhỏ ông Vinh không theo nghề trồng mai. Ông là thợ khoan giếng. Năm 2013, khi nghề khoan giếng ngày một ít khách, ông tìm hiểu thị trường và quyết định buôn bán cây mai vàng. Mỗi dịp Tết đến, ông Vinh gom mai của bà con ở quê rồi thuê xe chở vào TPHCM bán.

Người TPHCM chuộng chơi mai vàng vào dịp Tết nên việc buôn bán của ông Vinh thuận lợi, thu lãi hàng chục triệu đồng/vụ Tết. Có lãi từ bán mai, năm 2018, ông Vinh thuê 5 sào đất, học cách trồng, chăm sóc 2.000 gốc mai. Đồng thời, người đàn ông này chuyển hướng đưa mai "Bắc tiến", thị trường tiềm năng là tỉnh Thanh Hóa.

Đón giao thừa trên tàu, mang Tết về cho vợ, con - 2

Cận Tết, nhiều cây mai vàng đã bung hoa, ra lộc (Ảnh: Hạnh Linh).

Đón giao thừa trên tàu, mang Tết về cho vợ, con - 3

Năm nay, ông Vinh cùng con trai mang ra Thanh Hóa 3.500 gốc mai (Ảnh: Hạnh Linh).

Ông Vinh cho biết, đã chở mai đi là phải bán cho hết, không thể chở về. 30 Tết không còn xe để thuê chở mai, có thuê được cũng giá "cắt cổ". Thay bằng việc chặt, vứt bỏ mai, "đổ" tiền vào thuê xe, ông "đại hạ giá", vừa bán vừa tặng cho hết hàng.

"Những người nghèo khó chờ mình giảm giá họ mới có thể mua được nên đến chiều 30 Tết tôi "bán tháo" cho họ, để ai cũng có mai xài, vui xuân, đón Tết", ông Vinh cho biết.

Theo ông Vinh, khoảng trung tuần tháng Chạp, ông sẽ lên đường đi bán mai. Dù bán mai ở TPHCM hay Thanh Hóa, ông cũng không kịp về nhà đón giao thừa cùng vợ, các con. Có lần người đàn ông này đón giao thừa khi đang trên xe khách từ TPHCM về Bình Định, lần thì đang ở ga tàu Thanh Hóa, có lần thì tàu đã chuyển bánh đến tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh,…

Đón giao thừa trên tàu, mang Tết về cho vợ, con - 4

Dù vất vả nhưng ông Vinh vui khi có nguồn thu nhập từ bán mai dịp Tết (Ảnh: Hạnh Linh).

"Đón giao thừa ở trên tàu có nhiều điều thú vị. Đêm 30, trên tàu không đông khách, chúng tôi cùng nhau theo dõi không khí đón năm mới trên khắp cả nước thông qua báo, đài. Khi đồng hồ điểm giao thừa, mọi người đều chúc nhau "năm mới vui vẻ, bình an". Khoảnh khắc ấy, những người chưa từng quen biết cũng trở nên gần gũi, thân thuộc. Mùng 2 Tết, tôi về đến nhà. Tôi vui khi mình mang tiền, Tết ấm về cho vợ, con", ông Vinh tâm sự.

Năm nay, ông Vinh cùng con trai mang ra Thanh Hóa 3.500 gốc mai. Đến 29 Tết đã bán được gần 2.500 gốc. Cây mai có tuổi đời càng lâu thì được thị trường ưa chuộng, giá càng đắt. Mấy năm trước, mai có giá 2,5-3 triệu đồng/cây. Năm nay, kinh tế khó khăn, các chủ vườn mai, thương lái chủ động giảm giá còn 1,2-1,5 triệu đồng. 29 Tết, ông Vinh bán đồng giá 1,2 triệu đồng/cây.

Đón giao thừa trên tàu, mang Tết về cho vợ, con - 5

Mai vàng tượng trưng cho phú quý, tốt lành trong năm mới nên được khách hàng ưa chuộng (Ảnh: Hạnh Linh).

Mai vàng là cây trồng khó tính, nhiều sâu bệnh và phụ thuộc vào thời tiết đến 80%. Nhiều năm tưởng chừng như "ăn chắc" nhưng cuối cùng tiền lời lãi chỉ đủ sắm Tết. 5 năm mang cây mai vàng ra Thanh Hóa, ông Vinh nhiều lần rơi vào tình cảnh oái oăm. Năm ngoái gần Tết, trời rét, mai không chịu nở hoa, năm nay, trời hôm nắng, hôm mưa, hôm nồm ẩm nên mai bung hoa sớm.

Ông Vinh cho biết, thị xã An Nhơn là "thủ phủ" trồng mai lớn nhất của tỉnh Bình Định. Giữa tháng Chạp, bà con ở đây tản đi khắp các tỉnh, thành để bán mai. "Có đến 30% bà con đi bán mai ở thị xã An Nhơn đón giao thừa trên tàu, xe. Chúng tôi về đến nhà khi đã là mùng 1, mùng 2 Tết. Về nhà, đón Tết muộn cũng chẳng sao, miễn bán hết hàng, có thêm thu nhập", ông Vinh chia sẻ.