1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Gia Lai:

Đôi vợ chồng nông dân ươm mầm giống đào Bắc trên cao nguyên

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Nhiều năm qua, vợ chồng bà Nguyễn Thị Thỏa cần mẫn chăm sóc hàng trăm gốc đào Bắc ở phố núi Pleiku, Gia Lai.

Những ngày này, người dân và du khách nhộn nhịp tham quan, chụp ảnh trong vườn đào của vợ chồng bà Nguyễn Thị Thỏa và ông Lê Văn Nghiêm tại phường Yên Thế, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Đôi vợ chồng nông dân ươm mầm giống đào Bắc trên cao nguyên - 1

Hàng trăm gốc đào Bắc khoe sắc ở phố núi Pleiku, Gia Lai (Ảnh: Phạm Hoàng).

Bà Nguyễn Thị Thỏa chia sẻ, năm 1996, gia đình bà từ Hải Dương vào Gia Lai lập nghiệp. Hai vợ chồng trồng rất nhiều loại cây như cà phê, tiêu, rau, cây ăn quả nhưng hiệu quả kinh tế không cao, cho đến khi xoay qua trồng đào cảnh.

Đôi vợ chồng nông dân ươm mầm giống đào Bắc trên cao nguyên - 2

Bằng những kinh nghiệm tích lũy được, ông Nghiêm tỉ mỉ chăm sóc, cắt tỉa và ghép các cây đào Bắc (Ảnh: Phạm Hoàng).

"Hơn 3 năm trước, tôi đã đặt người họ hàng ở Hải Dương chọn giúp khoảng 100 cây giống đào Bắc về trồng thử nghiệm. Thấy đào phát triển tốt, hoa nhiều nên tôi cũng mạnh dạn đầu tư", bà Thỏa cho biết thêm.

Hai vợ chồng chia nhau người lo nắn gốc, dáng thế cho cây, người làm cỏ, bón phân, vun xới.

Ông Nghiêm còn chọn ra những gốc đào lớn, dáng đẹp để ghép các loại đào nhiều bông, nở đẹp.

Đôi vợ chồng nông dân ươm mầm giống đào Bắc trên cao nguyên - 3

Bà Thỏa bên những cây đào Bắc mà hai vợ chồng bà dày công chăm sóc (Ảnh: Phạm Hoàng).

"Ban đầu, do chưa nắm được cách chăm sóc phù hợp thời tiết, loại đất trồng, đào không ra hoa. Tôi ghi lại từng hình ảnh, tình trạng cây hoa để hỏi kinh nghiệm những người trồng đào Bắc lâu năm. Lâu dần, vườn đào gốc Bắc đã thích nghi, phát triển tốt trên mảnh đất bazan", bà Thỏa kể.

Hiện cả vườn đã có 500 gốc đào, gồm cả loại đào bích và đào phai. Năm ngoái, bà Thỏa chỉ dám bán khoảng 50 gốc đào, thu về hơn 70 triệu đồng.

Đôi vợ chồng nông dân ươm mầm giống đào Bắc trên cao nguyên - 4

Những cành đào khoe sắc trên cao nguyên (Ảnh: Phạm Hoàng).

Năm nay, gần 500 gốc đào của gia đình đã phát triển tốt, có chiều cao từ 2-3m. Đào hầu hết đều có bông, nụ chi chít, màu hoa tươi thắm, không thua kém gì đào được trồng xứ Bắc.

Bà Thỏa cho hay, điều kiện khí hậu tại Gia Lai ổn định quanh năm, không như ở miền Bắc, thường quá lạnh thời điểm giáp Tết. Vì thế, đào trồng nơi phố núi khá thuận lợi, sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, sắc hoa thắm hồng.

Giá đào của vườn nhà bà Thỏa cũng rẻ hơn vì không mất chi phí vận chuyển từ miền Bắc vào. Những năm trước, vườn còn ít cây, vợ chồng bà Thỏa tiếc công chăm sóc nên chỉ bán ra một ít, mỗi gốc thu 1-2 triệu đồng. Năm nay, những gốc đào lớn, dáng thế đẹp trong vườn đã có thể bán được giá 3 triệu đồng.

Nhiều người chơi hoa Tết không ngại chi tiền cho những cành đào gốc Bắc ấm cúng không gian nhà ngày Tết. Hai vợ chồng bà Thỏa cũng mở cửa cho khách tự do tham quan vườn đào, chụp ảnh lưu niệm ngày xuân.

Vườn đào Bắc bừng nở trên cao nguyên (Video: Phạm Hoàng).