Đối phó với đồng nghiệp thích “chơi xấu”

(Dân trí) - Công sở đôi khi cũng giống như một trường học, với những phe cánh, những cuộc “buôn chuyện” và những đồng nghiệp thích “chơi xấu” người khác. Nếu bạn là nạn nhân của những trò “chơi xấu” chốn công sở, thì những gợi ý đối phó dưới đây có thể giúp ích cho bạn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Không khó để nhận diện những đồng nghiệp hay “chơi xấu”. Họ là những người thích phê phán bạn bất kể bạn đúng hay sai, thường xuyên “bỏ quên” bạn trong những cuộc trao đổi quan trọng, tìm cách giành giật thành tích của bạn, và nói xấu bạn với người khác. Động cơ của tất cả những việc làm này đều nhằm “dìm hàng” bạn và để nâng anh/cô ấy lên.

Sau đây là một vài gợi ý giúp bạn đối phó với những đồng nghiệp thiếu thiện chí này:

1. Đánh giá tình hình

Trước hết, bạn cần nhìn nhận sự việc với một thái độ khách quan. Điều gì đang thực sự xảy ra ở đây? Người đồng nghiệp này thích gây khó dễ với tất cả mọi người hay chỉ một mình bạn? Có phải bạn đang trao cho anh/cô ấy quá nhiều sức mạnh không? Có thể anh/cô ấy chỉ có thái độ xấu và điều đó chẳng hại gì đến bạn. Liệu bạn có quá nhạy cảm, xem những lời nói và hành động của cô ấy là nghiêm trọng đối với mình trong khi lẽ ra bạn nên bỏ qua?

Việc đánh giá tình hình bằng thái độ khách quan không phải là cách để bạn nhận hết lỗi về mình trong khi bạn đang xem mình là “nạn nhân”. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, công sở là một môi trường chuyên nghiệp, không phải lúc nào cũng ấm áp và thân thiện. Bạn không cần phải là bạn bè với mọi người ở công sở. Chắc chắn phải có một số người mà bạn không thể thân thiện cùng, và điều đó hoàn toàn bình thường.

Trong khi đó, những đồng nghiệp thích “chơi xấu” phải là những người thường xuyên có thái dộ và hành động khiêu khích và/hoặc không phù hợp nhằm vào người khác. Nếu mục tiêu “chơi xấu” của anh/cô ấy là bạn, thì cách đối xử của anh/cô ấy với bạn sẽ tệ hơn việc chỉ làm phiên hay cư xử thô lỗ. Những từ ngữ dùng để định nghĩa sự “chơi xấu” ở công sở là có hệ thống, thâm thù, đe dọa, lừa gạt, xúc phạm, phá hoại… Nói tóm lại, những kẻ “chơi xấu” có chủ ý cố gắng làm hại bạn và khả năng làm việc của bạn.

Bởi vậy, điều đầu tiên bạn cần làm khi bạn cảm thấy mình bị “chơi xấu” là bình tâm lại và nhìn nhận xem thực sự điều gì đang xảy ra. Nếu đơn giản người đồng nghiệp đó chỉ là một nhân vật khó ưa và khó làm việc cùng, có lẽ bạn không phải là người duy nhất cảm thấy điều đó. Hãy luyện tập sự kiên nhẫn và đừng để thái độ xấu của anh/cô ấy ảnh hưởng đến bạn. Còn nếu người đồng nghiệp đó thực sự đang “chơi xấu” bạn, hãy áp dụng các bước tiếp theo đây.

2. Tự mình đứng lên

Đừng tự biến mình thành một mục tiêu dễ dàng cho kẻ “chơi xấu”. Nếu bạn co người lại và cho phép anh/cô ấy tiếp tục hành vi của mình, thì sẽ chẳng có gì khiến người đồng nghiệp xấu tính này dừng lại. Hãy nhớ rằng, người khác đối xử với bạn theo cách mà bạn hướng họ đối xử với bạn. Chính bạn là người đưa ra những chỉ dẫn cho người khác về những hành vi mà bạn chấp nhận được và những hành vi bạn không chấp nhận.

Cái khó nhất ở đây là bạn cần giữ thái độ lịch sự và chuyên nghiệp trong khi đặt ra những giới hạn chắc chắn. Đừng để kẻ thích “chơi xấu” vượt qua những giới hạn mà bạn đặt ra, bởi đó chính là điều mà anh/cô ấy muốn. Hãy luyện tập cách phản ứng để khi vấp phải hành vi xấu từ anh/cô ấy vào lần tới, bạn có thể phản ứng nhanh mà không bị cảm xúc chi phối. Hãy giữ cách phản ứng của bạn đơn giản và thẳng thắn, chẳng hạn: “Tôi không cho rằng cách nói của anh/chị là phù hợp”.

Đừng rơi vào những cuộc đấu khẩu kiểu “ăn miếng trả miếng” với kẻ thích “chơi xấu”, nhưng hãy nhìn thẳng vào mắt anh/cô ấy, giữ thái độ bình tĩnh và mạnh mẽ. Liên tục đưa ra những giới hạn rõ ràng và nhất quán, rồi kẻ thích “chơi xấu” rốt cục sẽ nhận ra rằng, bạn là một đối tượng “khó nhằn”.

3. Ghi chép lại sự việc

Bạn cần hình thành thói quen ghi chép lại những gì xảy ra liên quan tới người đồng nghiệp này, cũng như thời gian và địa điểm của sự việc. Những chi tiết như anh/cô ấy đã nói và làm gì, cũng như cách phản ứng của bạn là những điều không thể bỏ qua. Những chứng cứ này sẽ là đồng minh lớn nhất của bạn trong trường hợp mọi chuyện xấu đi trong tương lai. Và dĩ nhiên, hãy nhớ luôn hành động theo cách mà bạn cảm thấy tự hào. Đừng để kẻ “chơi xấu” điều khiển bạn và khiến bạn bị chi phối bởi cảm xúc.

4. Trao đổi với cấp trên

Có lẽ, bạn chỉ làm được đến vậy khi bị “chơi xấu”. Người đồng nghiệp này có thể rất “cứng đầu cứng cổ” và kiên trì hơn bạn. Khi chuyện đã đến mức này, việc bạn nói chuyện trắng đen, phải trái với anh/cô ấy sẽ chẳng ích lợi gì. Và đây là lúc bạn cần tới sự can thiệp của nhà quản lý.

Khi trao đổi với sếp về chuyện này, bạn cần có đầy đủ chứng cứ đã được ghi chép như đề cập ở trên và cũng đã tự mình nhìn nhận vấn đề bằng thái độ khách quan. Ngoài sếp, bạn cũng có thể trao đổi vấn đề với bộ phận nhân sự để đề nghị giúp đỡ. Hãy miêu tả cụ thể những gì đang diễn ra và giải thích ảnh hưởng của việc đó đối với khả năng làm việc của bạn. Đồng thời, bạn cần nhấn mạnh rằng, bạn muốn tìm một cách thức giải quyết vấn đề hiệu quả và thoải mái nhất có thể.

Ở nhiều công ty, bộ phận nhân sự là lựa chọn tốt nhất để bạn nói chuyện bạn bị đồng nghiệp “chơi xấu” như thế nào. Một số vị sếp không muốn tham gia vào những chuyện như thế này, trong khi phòng nhân sự có chức năng giải quyết những vấn đề như vậy.

5. Chuyển việc

Những vố “chơi xấu” không được kiểm soát của đồng nghiệp có thể gây hại đến tinh thần, thể chất và cảm xúc của bạn. Nếu bạn đã cố gắng hết sức để giải quyết và cũng đã nhờ tới sự hỗ trợ của bộ phận nhân sự mà không giải quyết được vấn đề, thì đó là lúc bạn nên tính chuyển việc.

Việc bạn rời đi không đồng nghĩa với tuyên bố “chiến thắng” dành cho kẻ “chơi xấu”. Đó đơn giản chỉ là cách bạn chăm sóc bản thân mình. Bạn sẽ không chứng minh được điều gì hay dạy ai được bài học nào nếu cứ ở trong tình trạng nguy hiểm đó. Ai cũng xứng đáng được ở trong một môi trường làm việc an toàn và thoải mái. Nếu công ty của bạn không thể đem lại cho bạn được điều đó, thì bạn cần phải đi tìm ở một nơi khác.

Phương Anh
Theo US News