Đối phó với đồng nghiệp lười biếng
(Dân trí) - Công sở nào cũng vậy, luôn xuất hiện những nhân vật nổi trội về sự lười biếng. Họ thường xuyên đến muốn, về sớm, “buôn” điện thoại hàng giờ, đi lại xung quanh văn phòng hoặc tìm thú vui giải trí trên mạng…
Tất cả đồng nghiệp đều “bóng gió” về hành vi lười biếng của Minh, nhưng cậu ta vẫn không thay đổi, vờ như không hiểu, việc mình mình làm.
“Một số nhân viên lười nhác không ý thức được hành vi của họ. Họ có thể bào chữa, xin lỗi hoặc tìm đủ mọi cớ biện minh cho hành vi của mình”, ông Marl Goulston, tác giả cuốn Just Listen cho biết. “Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người nhận thức được nhưng họ vẫn tiếp tục trây ì là bởi họ được các ông chủ “ngó lơ” thay vì bắt phải chịu trách nhiệm với những hành vi đó”.
“Rất nhiều ông chủ chọn giải pháp “làm ngơ” để tránh các cuộc tranh cãi, xung đột xảy ra. Bởi họ tin rằng những cuộc đối đầu sẽ không có gì tốt đẹp và sẽ làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn”.
Lờ đi hành vi lười nhác của đồng nghiệp có vẻ như dễ dàng hơn giải pháp đối đầu, vậy nhưng nói thì đơn giản hơn làm. Ví dụ: Năng suất công việc của cả nhóm bị đình trệ và bị ảnh hưởng chỉ tại phần việc của đồng nghiệp họ “Trư” chưa hoàn tất, thì có lẽ những người trong đội sẽ rất khó chịu.
Kerry Patterson, chuyên gia truyền thông và là đồng tác giả cuối Crucial Confrontations và Crucial Conversations khẳng định rằng những đồng nghiệp lười nhác không chỉ tạo thêm công việc cho người khác mà hành vi của họ còn ảnh hưởng đến tinh thần và khả năng đồng đội.
Vậy để đối phó với những đồng nghiệp lười nhác bạn phải làm gì? Gợi ý đầu tiên của tác giả Marl Goulston đó là thẳng thắn nói chuyện với đồng nghiệp họ “Trư” kia rằng đạo đức nghề nghiệp của họ ảnh hưởng đến bạn như thế nào. Nếu cuộc trò chuyện đó không có tác dụng, bạn hãy nghĩ cho ông chủ biết bạn đã cố gắng để nói chuyện với đồng nghiệp đó nhưng họ vẫn không thay đổi. Tuy nhiên khi đã nói chuyện với cấp trên bạn phải chắc chắn rằng ban có thể cung cấp các ví dụ cụ thể về trường hợp của đồng nghiệp đó.
Trong khi chờ đợi sự giải quyết của cấp trên, dưới đây là một vài cách để bạn có thể đối chất cũng như đối phó với những đồng nghiệp lười.
1. Hãy đưa ra bằng chứng cụ thể
Phần lớn mọi người hay gộp tất cả những vấn đề nhỏ vào thành một vấn đề lớn. Tập trung vào vấn đề mà họ quan tâm nhất. Hay đưa ra một danh sách dài “tội” đồng nghiệp… Thay vào đó, hãy đưa ra bằng chứng công việc gần đây nhất.
2. Sử dụng ngôn từ cẩn thẩn
Diễn đạt vấn đề bằng cách sử dụng ngôn ngữ thăm dò sau đó hãy miêu tả những gì mà người đồng nghiệp đó làm - tuy nhiên đó không phải là những gì bạn kết luận. Bởi kết luận vội vàng của bạn không chỉ không khoa học mà có thể là sai.
3. Thể hiện sự chân thành
Bạn không muốn đồng nghiệp kia cảm thấy hành động của bạn như thể đang tấn công hay khiển trách họ. Bạn muốn họ cảm thấy an toàn khi nói chuyện về vấn đề, vì vậy hãy bắt đầu bằng việc để họ biết rằng bạn thực lòng muốn quan tâm đến họ.
4. Hãy thử giúp đỡ bằng phương pháp tiếp cận
Hãy nói với người đồng nghiệp đó rằng: “Tôi luôn mong muốn một ai đó làm điều này với tôi. Tôi biết rằng bạn đã không làm việc A, B…C. Thay vì chờ đợi ông chủ đến khiển trách, tôi nghĩ rằng tôi muốn nói với bạn tôi nhận ra được sai lầm của bạn và bạn có thể làm một việc gì đó để cải thiện”.
5. Hãy thảo luận kín
Điều này có nghĩa không chỉ trong thời gian đàm thoại, mà cả sau đó nữa. Bởi việc này sẽ giúp đồng nghiệp của bạn cảm thấy an toàn khi nói chuyện với bạn và mau chóng khắc phục được vấn đề.
6. Nếu tiến triển, hãy học cách bỏ qua
Vào thời điểm này bạn hãy chấp nhận bất kỳ lý do gì họ đưa ra, vì họ đã biết sửa sai. Đây là một trong những cách bạn giúp họ giữ thể diện.
Nhã Linh
Theo MSN