Đối phó với đồng nghiệp hay đố kỵ bằng cách nào?

(Dân trí) - Thành công của bạn ở nơi làm việc có thể khiến những đồng nghiệp có tính đố kỵ cảm thấy khó chịu. Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn vượt qua được tình trạng bị “ghen ăn tức ở” đó.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trước hết, bạn cần xác định xem liệu có đúng là bạn đang bị đồng nghiệp ghen tị. Lòng đố kỵ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như những khác biệt trong thăng tiến, tiền lương, sự công nhận, chuyên môn, và thậm chí là cả chuyện giàu-nghèo.

Một số biểu hiện hành vi có thể cho thấy đồng nghiệp đang ghen tị với bạn. Chẳng hạn, anh/cô ấy tỏ thái độ bực dọc, lạnh nhạt hoặc bất hợp tác ngay sau khi bạn được thăng chức hoặc tăng lương. Những đồng nghiệp đố kỵ với bạn cũng có thể tìm cách làm xấu đi mối quan hệ giữa bạn với cấp trên trước những đợt rà soát tăng lương hoặc nâng chức. Điều này thường xảy ra giữa những nhân viên làm cùng một công việc, cùng dưới sự quản lý của một vị sếp.

Các chuyên gia khuyến cáo, bạn nên nhận thức rõ về những tín hiệu này về lòng đố kỵ của đồng nghiệp, nhưng không nên đáp trả bằng thái độ hay hành động thể hiện sự không vừa ý hoặc đua tranh.

Khi đã xác định được bản thân bạn đang trở thành đối tượng bị đố kỵ ở công sở, bạn đừng quên những lời khuyên dưới đây của các chuyên gia:

1. Không phản ứng

Những đồng nghiệp đố kỵ có thể “buôn chuyện” để nói xấu sau lưng bạn, và điều này khiến bạn muốn gặp họ để nói chuyện cho ra nhẽ. Việc bạn khó chịu trước những câu chuyện ngôi lê đôi mách liên quan đến mình là lẽ tự nhiên, nhưng việc phản ứng rút cục chỉ khiến những người đố kỵ với bạn có thêm vũ khí để chống lại bạn.

Vì vậy, tốt hơn hết, hãy giữ thái độ bình tĩnh và nhớ rằng, những người ghen tị “buôn chuyện” về bạn chẳng qua chỉ vì họ muốn có được những thành tích như bạn mà chưa làm được.

2. Tránh từ “ghen tị”

Khi câu chuyện diễn biến xấu tới mức ảnh hưởng tới năng suất làm việc của bạn, đó là lúc bạn nên làm điều gì đó. Nhưng hãy thận trọng về những lời mà bạn nói.

Chẳng hạn, không phải là một ý tưởng tốt nếu bạn tiến đến một đồng nghiệp và cáo buộc anh/cô ấy ghen tị với mình. Tất nhiên, người đồng nghiệp đang sôi sục vì đố kỵ với bạn sẽ không bao giờ thú nhật điều đó. Một cuộc đối đầu như vậy rốt cục sẽ chỉ khiến tình hình thêm căng thẳng.

Vậy đâu là cách tốt nhất để đối mặt với những đồng nghiệp đố kỵ? Đừng tỏ ra hung hăng hay cứng rắn với họ. Chỉ cần một chú gây hấn của bạn sẽ được những người đố kỵ xem là cơ hội để chống lại bạn. Vì thế, hãy tiếp cận với họ bằng những mối bận tâm cụ thể, chẳng hạn hãy đề nghị họ giải thích vì sao không hợp tác với bạn, thay vì buộc tội họ ghen tị với bạn. Hoặc hỏi xem liệu họ có đang có chuyện gì không. Nếu cần thiết, bạn có thể thu hút sự chú ý của họ vào thực tế là hành động của họ đang gây ảnh hưởng xấu tới công việc chung.

3. Biết cách tìm kiếm đồng minh

Việc duy trì những mối quan hệ khăng khít ở nơi làm việc luôn giữ vai trò quan trọng. Trước hết, bạn cần để cấp trên nắm rõ được công việc mà bạn làm hàng ngày. Một đồng nghiệp ghen tị và xấu tính có thể tìm cách bôi xấu bạn bằng cách nói với cấp trên không chuẩn xác về công việc mà bạn làm. Nếu bạn thường xuyên báo cáo với sếp về tiến trình công việc, thì mối quan hệ giữa sếp với bạn không thể bị ảnh hưởng bởi những hành vi bôi xấu như vậy.

Ngoài ra, bạn cũng cần gây dựng được mối quan hệ tốt với tất cả các đồng nghiệp. Khi đó, các đồng nghiệp sẽ có cách nhìn khách quan về bạn, nói tốt cho bạn, khiến cho những đồng nghiệp hay đố kỵ không còn cơ hội chống lại bạn.

4. Đặt mình vào vị trí của người đố kỵ

Đừng quên tìm hiểu vì sao bạn bị đố kỵ. Chẳng hạn, có thể đó là do người đồng nghiệp kia không được công nhận những kết quả công việc mà họ đạt được. Trong trường hợp đó, nếu bạn nỗ lực khen ngợi họ, thì căng thẳng có thể được giải tỏa.

Thậm chí, bạn cũng có thể đưa ra lời khuyên giúp họ cải thiện hiệu quả làm việc và được công nhận thành tích. Tuy nhiên, bạn cũng cần thận trọng để tránh việc người đồng nghiệp đó cảm thấy như đang bị bạn “dạy dỗ”.

5. Nhìn lại mình

Bạn bị đồng nghiệp đố kỵ không chừng lại do chính lỗi của bạn. Hãy nhìn lại mình xem bạn có phô trương quá đà những thành tích của mình với đồng nghiệp hay có nói quá về việc sếp yêu mến bạn ra sao. Đây thực sự là những việc làm không phù hợp trong môi trường công sở và chỉ khiến bạn bị ghen tị, thậm chí là bị xa lánh.

Phương Anh
Theo Career Journal