1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Độc đáo nghề làm khuôn gỗ giữa phố cổ mùa trông trăng

Một chiều mưa phố cổ, tôi tìm đến gặp ông Phạm Văn Quang trong cửa hàng nhỏ nhắn ở 59 phố Hàng Quạt (Hà Nội). Trong không gian toàn những khuôn bánh cá chép, hoa hồng… gắn với Tết Trung thu cổ tích của tuổi thơ, người thợ già với kinh nghiệm hơn 40 năm làm khuôn bánh Trung thu bằng gỗ đã chân tình chia sẻ về nghề đang dần mai một của mình.

Năm nay 63 tuổi, ông Phạm Văn Quang là người làm khuôn bánh, oản, xôi từ gỗ hiếm hoi còn sót lại ở khu vực phố Hàng Quạt ngay trung tâm khu phố cổ Hà Nội. Cái nghề truyền thống của gia đình gắn chặt đời ông vào những khuôn, khay, dùi, đục. Ông không nhớ nghề làm khuôn bánh Trung thu này đã theo gia đình ông bao lâu mà chỉ nhớ, ngay từ nhỏ đã được học và gắn bó với nghề này đến tận ngày nay.

Độc đáo nghề làm khuôn gỗ giữa phố cổ mùa trông trăng - 1

Học hỏi từ chính khách hàng

Đặc thù sản phẩm khuôn bánh, khuôn xôi oản không thể bán buôn số lượng lớn hay cho ra những lợi nhuận khổng lồ nên ngay từ xưa, ở phố Hàng Quạt cũng chỉ có một số nhà làm nghề này. Nghề có gốc gác từ làng tiện gỗ Nhị Khê và làng Chiếc (nay là xã Nhân Hiền), thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội. Đây là các làng có truyền thống làm khuôn bánh bằng gỗ nức tiếng từ xưa.

Vào thế kỷ trước, đến mùa bánh Trung thu, phố Hàng Quạt lúc nào cũng rộn ràng tiếng đục, tiếng đẽo. Những người thợ làm quanh năm không hết việc. Thời nay, khi công nghệ lên ngôi, giữ được nghề làm khuôn, sửa khuôn theo đúng yêu cầu cho các nhà hàng, thợ làm bánh như hiện nay chắc chỉ còn lại cửa hàng của ông Quang.

Theo ông Phạm Văn Quang, để làm một chiếc khuôn bánh, trước hết phải tìm được loại gỗ phù hợp. Gỗ thường dùng để làm khuôn bánh là gỗ thị già và gỗ xà cừ vì 2 loại gỗ này có độ bền, mịn, dễ gia công, lại có độ dẻo, độ rắn phù hợp với việc làm khuôn bánh hay các loại dấu, khắc sắc nét và ăn mực. Sau đó, nghệ nhân dùng máy cắt gỗ thành những khúc phù hợp với kích thước khuôn bánh. Phần cán cầm được tiện tròn để người làm bánh dễ dàng sử dụng.

Công đoạn đục là khó hơn cả, đòi hỏi sự tỉ mỉ và độ chính xác cao, bởi nếu đục hơi sâu hoặc hơi nông một chút, hoa văn sẽ bị thay đổi và trọng lượng bánh cũng thay đổi theo. Khâu khắc thô hay sơ chế, ông chuyển yêu cầu về xưởng mộc ở quê Thường Tín (Hà Nội) để thợ làm. Khâu quan trọng nhất, thổi hồn vào những thớ gỗ vô tri thì đích thân ông Quang thực hiện.

“Nghề này cái khó nhất là thực sự hiểu được nhu cầu của khách để làm ra những chiếc khuôn bánh mà người làm bánh nhìn thấy ưng ngay và người mua bánh cũng thích. Khách hàng có hiểu việc, có sành sỏi mới tìm ra điểm chưa tốt ở sản phẩm để chê. Người thợ có kinh nghiệm sẽ thấy lời chê của khách hàng gợi mở cho mình nhiều ý tưởng mới”, ông Quang chia sẻ. Để sống được bằng nghề, bên cạnh các khuôn bánh truyền thống như: Cá chép, rồng, hoa hồng... ông còn làm cả khuôn bánh hình các nhân vật trong phim mà trẻ em yêu thích như: Trư Bát Giới, Doremon...

Độc đáo nghề làm khuôn gỗ giữa phố cổ mùa trông trăng - 2

Nằm lọt giữa phố Hàng Quạt (Hà Nội) là cửa hàng của ông Phạm Văn Quang vẫn bán những khuôn gỗ bánh Trung thu truyền thống

Độc đáo mới có đất sống

Ở xã hội hiện đại, trong khi bánh Trung thu được làm theo máy móc dây chuyền thì vẫn còn những người thợ làm khuôn bánh Trung thu theo lối thủ công. Nó tạo nên sức hấp dẫn riêng của phố cổ và cũng lưu giữ những giá trị truyền thống của ông cha xưa. Nghề làm khuôn bánh truyền thống đã qua thời vàng son đã lâu nhưng ông Quang vẫn gắn bó với nghề. Theo ông, người làm nghề đã có những bước đột phá để tự cứu mình bằng cách cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm; không thể cạnh tranh với công nghệ mới nhưng phải đảm bảo đúng kỹ thuật truyền thống và tăng tính độc đáo cho sản phẩm thì mới có đất sống.

“Vừa rồi có người đến đặt tôi làm khuôn bánh Trung thu 15kg nhưng yêu cầu thời gian gấp. Tôi nhất quyết không nhận vì sẽ không đảm bảo chất lượng. Họ cũng chẳng thể nhận ra tôi làm rối, nhưng như thế là không uy tín, không bao giờ tôi làm thế, dù được trả bao nhiêu tiền”, ông Quang kể. Bây giờ, khuôn bánh gỗ truyền thống phải cạnh tranh với khuôn nhựa. Khuôn nhựa rẻ, phục vụ cho số đông. Trên thị trường hiện nay, ngoài những khuôn nhựa được sản xuất công nghiệp còn có cả những chiếc máy đục gỗ tự động công nghệ cao. “Khuôn máy ra sản phẩm nhìn cứng chứ không có hồn như làm thủ công”, ông Quang nhận xét. Bởi vậy, khuôn gỗ truyền thống chỉ dành riêng cho những khách đặt với nhu cầu cao về nghệ thuật.

Độc đáo nghề làm khuôn gỗ giữa phố cổ mùa trông trăng - 3

Con phố xưa vốn nổi tiếng với nghề làm quạt nay trở thành một trung tâm chuyên kinh doanh các loại bàn thờ lớn nhỏ, các loại đối trướng kiểu cũ và các loại cờ trướng khen thưởng thi đua hiện đại. Lọt giữa con phố đó, trong cửa hàng nhỏ của mình, ông Quang vẫn cặm cụi với dùi, đục, khoan, bào… để tạo ra những chiếc khuôn mà từ đó, những chiếc bánh Trung thu đưa tuổi thơ vào cổ tích.

Phố xưa, nghề cũ, người còn mãi không?!

Theo An ninh Thủ đô