Doanh nghiệp nợ BHXH: Giải quyết chế độ thế nào?

Bà Phạm Phương Nga hỏi: Trường hợp người lao động đã được công ty khấu trừ tiền BHXH từ lương, tuy nhiên công ty lại chưa nộp cho cơ quan BHXH và cơ quan BHXH không giải quyết bất kỳ chế độ nào cho người lao động thì người lao động phải làm gì?


Bà Nga cũng muốn được biết, trường hợp công ty đã nộp cho cơ quan BHXH đến thời điểm nào đó, thì cơ quan BHXH có thể chốt sổ và giải quyết chế độ cho người lao động đến thời điểm đó không hay nhất thiết công ty phải trả hết nợ thì người lao động mới được giải quyết chế độ cũng như chốt sổ BHXH?

Chẳng hạn, người lao động nghỉ thai sản năm 2012, đến tháng 8/2014 công ty đã nộp bảo hiểm hết năm 2013. Vậy người lao động có được giải quyết chế độ thai sản, dưỡng sức hay không? Hay công ty phải nộp hết nợ đến tháng 8/2014 lúc đó mới được giải quyết?

BHXH Việt Nam trả lời các thắc mắc của bà Nga như sau:

Điểm a, Khoản 1, Điều 18 Luật BHXH quy định “đóng BHXH theo quy định tại Điều 92 và hằng tháng trích từ tiền lương, tiền công của người lao động theo quy định tại Khoản 1, Điều 91 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH”.

Trường hợp người lao động đã tính tiền đóng BHXH nhưng đơn vị sử dụng lao động không nộp cho cơ quan BHXH, là hành vi đơn vị sử dụng lao động chiếm dụng tiền BHXH của người lao động. Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, BHXH Việt Nam đang nghiên cứu đề nghị Chính phủ trình Quốc hội bổ sung tội danh này vào Bộ Luật hình sự

Trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Khoản 6, Điều 15 Luật BHXH thì người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thông tin về việc đóng BHXH và có quyền khiếu nại, tố cáo về BHXH.

Về việc chốt sổ BHXH và giải quyết chế độ cho người lao động, BHXH Việt Nam cho biết, về nguyên tắc BHXH theo Khoản 1, Điều 5 Luật BHXH: Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH.

Ngày 19/3/2013 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Công văn số 856/LĐTBXH-BHXH về một số vướng mắc trong quá trình thực hiện chế độ BHXH.

Theo đó, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật còn nợ tiền BHXH, BHYT, nếu có người lao động chuyển nơi làm việc thì cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH của người lao động đến thời điểm doanh nghiệp đã đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia BHXH tại đơn vị mới, sau khi thu hồi được khoản nợ của doanh nghiệp thì xác nhận bổ sung thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH của người lao động.

Đối với doanh nghiệp thực sự khó khăn nợ BHXH, BHYT, nếu Giám đốc doanh nghiệp có văn bản gửi cơ quan BHXH cam kết trả đủ tiền nợ BHXH , BHYT và thực hiện đóng trước BHXH, BHYT đối với người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH, người lao động thôi việc để giải quyết chế độ BHXH và chốt sổ BHXH, thì giám đốc BHXH tỉnh xem xét, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác nhận thực trạng khó khăn của doanh nghiệp để giải quyết.”

Ngày 27/5/2014 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Công văn số 1741/LĐTBXH-BHXH về giải quyết vướng mắc trong thực hiện chế độ ốm đau, thai sản: “… Đối với các đơn vị chưa được quyết toán do đơn vị còn nợ tiền đóng BHXH, nay đơn vị đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH thì tổ chức BHXH thực hiện quyết toán chi trả chế độ ốm đau, thai sản theo quy định”.

Căn cứ hướng dẫn trên, nếu đơn vị đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH thì đề nghị đơn vị sử dụng lao động tập hợp hồ sơ, liên hệ với cơ quan BHXH nơi đơn vị đóng BHXH để được hướng dẫn chi trả kịp thời chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động nếu đủ điều kiện hưởng và quyết toán theo quy định.

Theo Chinhphu.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm