Doanh nghiệp nợ bảo hiểm, người lao động thiệt thòi

Cùng với các địa phương trong cả nước, hiện nay nhiều tỉnh trong khu vực ĐBSCL còn tồn đọng tình trạng doanh nghiệp “nợ” tiền bảo hiểm.

Công nhân điện lực tỉnh Tiền Giang lao động trong môi trường có nhiều rủi ro
Công nhân điện lực tỉnh Tiền Giang lao động trong môi trường có nhiều rủi ro

Vấn đề này không chỉ làm ảnh hưởng đến thất thu nguồn quỹ bảo hiểm của Quốc gia mà còn gây thiệt thòi cho chính người lao động khi cơ quan bảo hiểm xã hội không có cơ sở để thanh toán, giải quyết chế độ bảo hiểm cho công nhân khi gặp họ không may gặp các sự cố hay nghỉ việc...

Theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp phải hỗ trợ cho công nhân lao động đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên tại tỉnh Bến Tre đến thời điểm này có nhiều doanh nghiệp còn “nợ” tiền 3 loại bảo hiểm trên với tổng số tiền phải nộp trên 54 tỷ đồng, chiếm 3,9% so với tổng số tiền mà cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Bến Tre phải thu từ các doanh nghiệp.

Trong đó, có 4 doanh nghiệp có “thương hiệu mạnh” cũng nợ tiền bảo hiểm trên 8,5 tỷ đồng gồm: Công ty Tư vấn Kiến trúc Bến Tre, Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông Bến Tre, công ty cổ phần Xuất nhập khẩu lâm, thủy sản Bến Tre và Công ty cổ phần may Premier Fashion.

Tại tỉnh Tiền Giang, số tiền mà các doanh nghiệp còn “nợ” tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp trên 82 tỷ đồng; trong đó nợ bảo hiểm xã hội gần 70 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế: 9 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp trên 3 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ nợ chiếm 5% so với số tiền bảo hiển phải thu.

Các tỉnh, thành khác ở vùng ĐBSCL như: Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ cũng báo động tình trạng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa đóng tiền bảo hiểm các loại cho cơ quan Bảo hiểm xã hội tại địa phương.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều doanh nhiệp tại vùng ĐBSCL “nợ” tiền bảo hiểm là do hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, một số doanh nghiệp đang bên lề phá sản. Song song đó, cũng có không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lợi dụng tình hình suy thoái kinh tế để chiếm dụng vốn, chây ỳ đóng tiền bảo hiểm cho công nhân lao động. Trong khi đó cơ quan bảo hiểm xã hội không có thẩm quyền xử phạt nên rất khó xử lý.

Năm 2013, Bảo hiểm xã hội huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre không thu được gần 300 triệu đồng tiền bảo hiểm đối với Hợp tác xã xây lắp điện Châu Thành phải kiện đơn vị này ra Tòa án nhân dân huyện.

Theo Quyết định của Tòa án nhân dân huyện Châu thành trong vòng 45 ngày Hợp tác xã xây lắp điện Châu Thành phải trả hết số tiền nợ nhưng đến nay đơn vị này vẫn chưa nộp.

Việc doanh nghiệp chậm hay không đóng tiền bảo hiểm cho cơ quan bảo hiểm xã hội, trước hết công nhân lao động là người chịu thiệt thòi. Bởi cơ quan bảo hiểm không thể chi hỗ trợ tiền khi công nhân gặp sự cố ốm đau, tai nạn... hay nghỉ việc.

Chị Nguyễn Thị Kim Hướng, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang bức xúc: “Em làm công nhân ở đây có hợp đồng lao động rõ ràng. Mỗi tháng em đều bị trừ lương để đóng tiền bảo hiểm y tế, BHXH, công đoàn. Việc chủ doanh nghiệp nợ nần BHXH đối với Nhà nước, thật ra công nhân tụi em không hay biết. Vấn đề này thiệt thòi vì khi nghỉ việc không được nhận đủ tiền như mình đã đóng bảo hiểm. Chúng em mong rằng các ngành chức năng sớm giải quyết vụ này”.

Trong khi đó dù có chưa tới 1.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng thời điểm này tại tỉnh Trà Vinh có tới 113 doanh nghiệp đang nợ bảo hiểm với tổng số nợ trên 60 tỷ đồng. Trong đó, có những doanh nghiệp hai, ba năm chưa đóng bảo hiểm cho người lao động.

Ông Nguyễn Văn Long, chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Trà Vinh đề xuất: “Doanh nghiệp chiếm dụng không đóng cho đơn vị Bản hiểm xã hội khi người lao động xảy ra vấn đề, cơ quan bảo hiểm sẽ từ chối và người lao động rất thiệt thòi. Chúng tôi phải kiên quyết đòi nợ các doanh nghiệp nợ đọng. Ngoài ra, cũng đề nghị Chính phủ quy định trả trước và truy thu thu cho bằng được những đơn vị mà nợ. Có như vậy mới bảo vệ được quyền lợi người lao động”.

Để khắc phục tình trạng doanh nghiệp “nợ” tiền bảo hiểm, thời gian qua cơ quan bảo hiểm xã hội đã phối hợp với các ngành chức năng tại địa phương tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, vận động các doanh nghiệp tự giác nộp tiền bảo hiểm nhưng kết quả không cao. Một số địa phương, cơ quan bảo hiểm còn kiện doanh nghiệp ra Tòa án nhưng việc thu tiền bảo hiểm rất nhiêu khê.

Ông Vương Ngọc Cường, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bến Tre nói: Chúng tôi cố gắng làm công tác tuyên truyền để làm sao doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ của mình. Tới đây, chúng tôi sẽ tăng cường công tác phối hợp với thanh tra Sở lao động - TBXH, thanh tra Nhà nước và các ngành có liên quan. Có kế hoạch đi xuống doanh nghiệp đòi số nợ tồn động để làm sao đến cuối năm hạn chế nợ dưới 3%”.

Việc cố tình không đóng tiền bảo hiểm cho người lao động đối với doanh nghiệp là vi phạm Bộ Luật lao động, Bộ Luật Bảo hiểm xã hội của nước ta. Do đó, bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, cơ quan bảo hiểm xã hội và các ngành chức năng vùng ĐBSCL cần có biện pháp chế tài mạnh hơn, kiên quyết hơn để buộc các doanh nghiệp phải tự giác đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân. Có như vậy, doanh nghiệp mới làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước và thể hiện đạo đức trong kinh doanh.
Theo Nhật Trường và Sa Oanh/VOV - ĐBSCL

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm