1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Doanh nghiệp Hải Phòng “khát” lao động

Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng, toàn thành phố hiện có tới 50% số doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn lao động.

Doanh nghiệp Hải Phòng “khát” lao động - 1

Công ty Regina vẫn còn thiếu 15 nghìn lao động.

Những nhóm ngành sản xuất gặp khó nhiều hơn cả là đồ gỗ nội thất, cơ khí, da giày. Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các cụm công nghiệp Vĩnh Niệm (quận Lê Chân), Đồng Hòa (Kiến An), Trường Sơn (An Lão)... dù liên tục tuyển lao động nhưng số lượng vẫn không thể đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Doanh nghiệp nhỏ cũng gặp khó

Ông Vũ Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu và xây dựng Bạch Đằng cho biết: Trước đây doanh nghiệp chỉ phải lo tìm việc thì hiện nay còn nỗi lo lớn hơn là tìm thợ. Trước mỗi công trình, công ty ông phải chạy đôn chạy đáo huy động nhân công.

Ông Tuấn chia sẻ, nhân công trong lĩnh vực xây dựng hiện thường do các “cai thầu” cung ứng. Họ thường phải tìm đến những vùng sâu vùng xa để tuyển người. Các khu công nghiệp mọc ra thu hút một lực lượng rất lớn lao động phổ thông khu vực ngoại thành, khiến nguồn nhân công phụ hồ hay giúp việc gia đình cực kỳ khan hiếm và giá cả tăng cao.

Còn bà Trần Thu Trang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Jasan, một doanh nghiệp nước ngoài trong khu công nghiệp VSIP cho biết, do nhu cầu phát triển, công ty bà cần mở thêm một nhà máy mới. Tuy nhiên, lường trước khó khăn trong việc tuyển dụng lao động nên thay vì đặt tại Hải Phòng công ty đã quyết định đặt nhà máy tại Thanh Hóa, chấp nhận tốn kém thêm nhiều khoản chi phí phát sinh.

Lời giải ở chế độ đãi ngộ

Bà Nguyễn Thị Lành, phụ trách nhân sự của Regina Miracle cho biết, công ty đã tuyển được 35 nghìn lao động trên tổng số 50 nghìn người cho 4 nhà máy trong khu công nghiệp VSIP. Hơn một năm trước công ty đứng trước tình trạng nghiệt ngã do thiếu lao động nghiêm trọng và vô cùng khó khăn trong tuyển dụng.

Công ty đã phải làm công văn “cầu cứu” Sở Lao động – TBXH thành phố và Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng. Song sự trợ giúp của các cơ quan này cũng không thể đáp ứng cho doanh nghiệp.

Công ty đã phải “tự bơi” bằng chính chính sách đãi ngộ của mình. Trước hết doanh nghiệp mở rộng phạm vi tuyển dụng ra các tỉnh ngoài. Đến nay cơ cấu lao động của công ty 60% là người Hải Phòng, 30% người Quảng Ninh và 10% thuộc các tình khác, chủ yếu từ miền Trung và miền núi phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu…

Công ty bố trí phương tiện đưa đón công nhân ở xa. Người lao động được làm việc trong nhà xưởng tiện nghi, có điều hòa. Suất ăn trưa tươm tất và đặc biệt thu nhập của người lao động “nhỉnh” hơn so với mặt bằng chung trong khu vực. Công nhân được nghỉ hai thứ 7 mối tháng, đời sống tinh thần được quan tâm chăm lo.

Bà Lành cho biết thêm, hiện nay Regina đang xin đất thành phố để xây nhà ở xã hội cho công nhân. Nếu vấn đề này sớm được giải quyết thì lời giải bài toán về thu hút lao động cho doanh nghiệp coi như đã nằm trong lòng bàn tay.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp