Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải đóng ký quỹ 3 tỉ đồng
(Dân trí) - Doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động phải thực hiện ký quỹ 3 tỷ đồng tại ngân hàng thương mại. Số tiền này được sử dụng để thanh toán tiền lương, bồi thường cho người lao động thuê lại nếu bị vi phạm hợp đồng hoặc bị thiệt hại do doanh nghiệp cho thuê lại gây ra.
Đây là một trong nhiều nội dung của Dự thảo Nghị định về Quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 54 của Bộ Luật Lao động về việc hoạt động cho thuê lại lao động, ký quỹ và danh mục công việc được cho thuê lại lao động, đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến dư luận xã hội.
5 trường hợp được rút tiền ký quỹ
Đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Nghị định là doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động; bên thuê lại lao động; người lao động thuê lại; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động cho thuê lại lao động.
Theo đó, số tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động chỉ được rút trong các trường hợp sau:
Doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động không đủ khả năng trả lương cho người lao động thuê lại sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày đến thời hạn trả lương;
Doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động không đủ khả năng bồi thường hoặc không bồi thường cho người lao động theo quy định tại khoản 1 của Điều 16 Nghị định này trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của Thanh tra lao động;
Không đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc theo Luật Bảo hiểm xã hội 3 tháng liên tục;
“Doanh nghiệp được ngân hàng nhận ký quỹ trả lãi cho số dư tiền gửi ký quỹ theo mức lãi suất do hai bên thỏa thuận phù hợp với quy định về lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của Ngân hàng nhà nước trong từng thời kỳ” - theo Dự thảo Nghị định.
Khi doanh nghiệp không được cấp, cấp lại, gia hạn Giấy phép hoặc bị thu hồi Giấy phép;
Doanh nghiệp cho thuê đã thực hiện ký quỹ tại một ngân hàng thương mại khác và có văn bản chấp thuận của Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
Doanh nghiệp nào không được cho thuê lại lao động?
Ngoài đề xuất về ký quỹ, Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ các trường hợp không được cho thuê lại lao động, gồm:
Doanh nghiệp đang xảy ra tranh chấp lao động, đình công hoặc để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động.
Doanh nghiệp cho thuê không thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với bên thuê lại lao động.
Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp hoặc vì lý do kinh tế.
Cho thuê lao động để làm các công việc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, trừ trường hợp người lao động đó đã sinh sống tại khu vực trên từ đủ 3 năm trở lên; công việc cho thuê lại lao động nằm trong Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành.
Hoàng Mạnh