1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Doanh nghiệp cần điều kiện gì để được cấp phép dịch vụ việc làm?

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến góp ý về xây dựng dự thảo nghị định quy định chi tiết Điều 39 Luật việc làm về doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.

Dự thảo nhằm cụ thể hoá quy định của Luật Việc làm cũng như điều chỉnh phù hợp với quy định của Luật Lao động 2019. Theo dự kiến, Nghị định sẽ có hiệu lực từ 1/1/2021. 

Doanh nghiệp cần điều kiện gì để được cấp phép dịch vụ việc làm? - 1
Ảnh có tính minh hoạ

Yêu cầu về người đứng đầu

Trong dự thảo, quy định về người đứng đầu doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc phải đáp ứng các điều kiện: Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành bản án hình sự của toà án, không trong thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc.

Ngoài ra, người lãnh đạo doanh nghiệp phải đáp ứng trình độ từ đại học trở lên hoặc đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về dịch vụ việc làm từ đủ 36 tháng trở lên trong thời hạn 5 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.

Điều kiện cấp giấy phép

Bên cạnh yêu cầu bắt buộc về người đứng đầu, dự thảo cũng nêu rõ các điều kiện để doanh nghiệp được cấp giấy phép, như:

Có địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh để tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm hoặc doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có hợp đồng hoặc thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất ổn định trong thời gian ít nhất 60 tháng.

Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 300 triệu đồng tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Được biết, mức ký quỹ nêu trên vẫn được giữ nguyên so với quy định tương tự trước đây.

Trường hợp rút tiền ký quỹ

Dự thảo cũng quy định thẩm quyền của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trong việc xem xét quyết định cho phép doanh nghiệp rút tiền ký quỹ trong các trường hợp sau: Doanh nghiệp không được cấp giấy phép; Doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoặc không được gia hạn, cấp lại giấy phép; Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ tại một ngân hàng thương mại khác.

Các trường hợp bị thu hồi giấy phép

Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm bị thu hồi giấy phép trong các trường hợp sau đây: Chấm dứt hoạt động dịch vụ việc làm theo đề nghị của doanh nghiệp; Doanh nghiệp giải thể hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản; Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định của luật định; Cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép.

Ngoài ra, các trường hợp sau cũng bị xem xét việc rút giấy phép của doanh nghiệp, gồm: Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ việc làm từ 3 lần trong khoảng thời gian tối đa 36 tháng kể từ ngày bị xử phạt lần đầu tiên; Doanh nghiệp có hành vi giả mạo các văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại giấy phép hoặc tẩy xóa, sửa chữa nội dung giấy phép đã được cấp hoặc sử dụng giấy phép giả, giấy phép hết hiệu lực; Các trường hợp khác theo yêu cầu của Tòa án...

Cả nước có khoảng 370 doanh nghiệp dịch vụ việc làm

Thống của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, cả nước hiện có 370 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm được cấp giấy phép hoạt động theo quy định Nghị định số 52/2014/NĐ-CP. Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm chủ yếu được phân bố ở những địa phương có thị trường lao động phát triển (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh), gần các khu công nghiệp, khu chế xuất...