1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đoàn lân của những đứa trẻ bụi đời

Xuân Hinh Nam Thái

(Dân trí) - Gần 10 năm nay, đội lân Long Nhi Đường của chàng trai Lê Văn Nam là nhà của hơn 200 đứa trẻ cơ nhỡ. Các em không chỉ được cho ăn, ở mà còn được cho đi học để trở thành người có ích cho xã hội.

Đoàn lân của những đứa trẻ bụi đời...

Mái nhà chung cho trẻ em bụi đời

Đoàn lân của những đứa trẻ bụi đời - 1

Anh Nam cho biết, vào tết trung thu và tết nguyên đán, đội lân có rất nhiều thuê để mua, nhờ vậy anh có tiền duy trì đoàn lân và nuôi các em nhỏ ăn, học.

Năm 2010, anh Lê Văn Nam (có nghệ danh là Gia Trác Hưng) khi ấy mới 17 tuổi đã tụ họp những đứa trẻ hè phố lại thành lập đoàn lân sư rồng Long Nhi Đường với mục đích tạo ra một địa điểm vui chơi, sinh hoạt cho những trẻ em cơ nhỡ.

Đoàn lân của những đứa trẻ bụi đời - 2

Anh Nam rất quan tâm cậu bé tên là Hí, vì hoàn cảnh gia đình em rất đặc biệt, cả ba em mẹ đều rơi vào vòng lao lý.

Trải đời sớm, chàng trai sinh năm 1993 lo sợ các trẻ em hè phố gặp phải tình cảnh lang thang, đối mặt với nhiều tệ nạn, cạm bẫy xã hội nên đã tập hợp nhóm trẻ bụi đời lại với nhau. Để có trò vui chơi, Nam rủ cả nhóm lập đội lân, vừa múa cho vui vừa biểu diễn kiếm tiền.

Đoàn lân của những đứa trẻ bụi đời - 3

Bé Hí là cậu bé luôn vui cười và nhận được rất nhiều tình yêu thường từ ba Nam và các anh lớn

"Thời điểm đó, chúng tôi chưa được học hay hiểu biết về múa lân, cả đám rủ nhau đi học lén, xem người ta múa rồi học theo. Sau đó thành lập một đội lân hè phố đi múa dạo vào những mùa tết để mong được người ta lì xì để có thể có tiền chia nhau trang trải cuộc sống", anh Lê Văn Nam chia sẻ.

Đoàn lân của những đứa trẻ bụi đời - 4

Các em nhỏ khi ở đây, được chăm sóc và cho đi học có kiến thức để không bị thua thiệt so với các bạn đồng trang lứa

Nhưng học lỏm thì không thể múa đẹp, phải học thầy bài bản mới mong đi biểu diễn cho người ta mà lãnh lương. Nghĩ vậy, anh Nam xin mấy thầy trong các đội lân chuyên nghiệp dạy nghề. Từ đó, lớp trước dạy cho lớp sau, thạo nghề từ lúc nào cũng không hay.

Đoàn lân của những đứa trẻ bụi đời - 5

Các thành viên trong đội lân đều gọi anh Nam bằng ba, vì anh luôn quan tâm, chăm sóc mọi người trong đoàn.

Anh Nam còn cho biết, khi mới thành lập, cả đội ở nhờ trong đình Vĩnh Hội (quận 8, TPHCM). Sau này, đến năm 2014, UBND phường cho mượn căn nhà trên đường Lương Ngọc Quyến (quận 8, TPHCM) để làm nơi trú ngụ. Dưới mái nhà chung ổn định, các thành viên cũ lần lượt cưu mang, nuôi nấng những em nhỏ cơ nhỡ khác.

Đoàn lân của những đứa trẻ bụi đời - 6

Cùng với đó, là vào bếp chuẩn bị các món ăn nhẹ cho các em để chuẩn bị cho buổi tâp luyện chiều.

"Hiện tại, đội lân Long Nhi Đường có 36 thành viên, bé nhỏ nhất mới 6 tuổi. Tính hơn 10 năm nay, số người vào rồi ra khỏi đội, có nghề nghiệp ổn định cũng phải hơn 200 thành viên. Mỗi người đến nương tựa ở đội lân đều có hoàn cảnh đau thương riêng biệt. Đa số các em sống lang thang, mồ côi, có em còn cha mất mẹ, còn mẹ mất cha, rồi nhà khổ quá cha mẹ gửi vào đội… Nhiều em sống trên địa bàn, số khác ở tỉnh trôi dạt về khu vực", anh Nam tâm sự.

Đoàn lân của những đứa trẻ bụi đời - 7

Cứ vào đầu giờ chiều, các em nhỏ trong đội lân sẽ được ăn nhẹ trước khi đi tập luyện

Nhờ mạng xã hội, số trẻ em đường phố cơ nhỡ và bất hạnh tìm đến với đội lân ngày càng nhiều. Nam cho biết thêm, để đội hoạt động tốt, các nhà hảo tâm thường giúp đỡ nhưng chủ yếu vẫn là sự nỗ lực của các em.

Những đứa lớn, ngoài giờ học còn đi làm thêm như sửa xe, bán hàng. Có tiền các em phụ vào để lo cho các em nhỏ khác. Cứ thế, bằng tình thương, Nam đã cảm hóa được nhiều em - dù ương ngạnh đến đâu - để có thể mạnh dạn bước vào đời.

Đoàn lân của những đứa trẻ bụi đời - 8

Em Lê Văn Hiếu (19 tuổi) là anh lớn nên rất hay quan tâm, chăm sóc các em nhỏ. Đôi khi là hay chọc ghẹo các em

Nhớ về những ngày đầu, Nam không thể nào tin là bản thân mình sẽ giúp được các bạn nhỏ bụi đời khác. Lúc đó, Nam chỉ biết cố gắng, làm mọi thứ để có tiền lo cho các em đi học.

"Trong hành trình 10 năm của mình, có bữa đói, bữa no, nhiều lúc trong người chỉ còn 20.000 đồng mà phải lo phần ăn cho cả đội, mình đi mua tóp mỡ của các cô bán hủ tiếu để về kho quẹt cho nó mặn mặn để các em ăn cho qua ngày", anh Nam tâm sự.

Đoàn lân của những đứa trẻ bụi đời - 9

Em Phú đang được anh Hiếu dạy lại những bước cơ bản của múa lân

Mong muốn xây dựng một trung tâm trao và nhận

Đoàn lân của những đứa trẻ bụi đời - 10

Hai thành viên lâu năm đang tập bài mai hoa thung để chuẩn bị biểu diễn trong dịp tết.

Không chỉ múa lân để kiếm tiền, Nam còn định hướng các thành viên của đội lân phải đi học, không học chính quy thì học bổ túc. Học xong phổ thông phải đi học lấy cái nghề. Học phí do Nam và các anh lớn trong đội đi múa lân tại  sự kiện khai trương và đi làm thêm kiếm về để lo cho các em nhỏ.

Đoàn lân của những đứa trẻ bụi đời - 11

Từng động tác được tập luyện khá kỹ để không xảy ra sai sót khi biểu diễn. 

Ban đầu, đội lân không nhận được nhiều thiện cảm của bà con vì những thành viên trong đội có hình xăm, hút thuốc, chửi thề,...Nhưng dần dần bà con hàng xóm không còn định kiến ban đầu nữa, mà họ hiểu và thương cho những hoàn cảnh của các đứa trẻ hơn.

Ngoài giờ học, về lại đội, khi các em được sinh hoạt tập thể với nhau, anh thường hay dạy mỗi em phải tự trang bị cho mình 3 chữ: tâm, tín, tình. Làm việc gì cũng phải có tâm, có tình. Trong cuộc sống chữ tín là quan trọng. Có chữ tín mọi việc sẽ thuận lợi hơn.   

Đoàn lân của những đứa trẻ bụi đời - 12

Mặc dù mới tham gia được gần 1 năm nhưng em Lê Bùi Hưng Phú (14 tuổi, bên phải) cảm thấy rất vui thì được các anh yêu thương, chăm sóc

Anh Nam cho biết: "Cái khó nhất là dạy về đạo đức cho các em, vì mỗi em là một góc trời khác nhau, mỗi người thì mỗi tính cách khác nhau nên nhiều khi mình phải đi năn nỉ, nói chuyện để các em hiểu, cho các em cảm thấy đây là ngôi nhà thứ 2 của mình để cho các em bỏ tật xấu của bản thân."

Đoàn lân của những đứa trẻ bụi đời - 13

Đoàn lân thường có 2 buổi tập chính, buổi trưa là dành cho các thành viên lâu năm tập những bài tập khó, buổi chiều là dành cho các bạn nhỏ mới gia nhập đoàn với các bài tập cơ bản.

Tham gia sinh hoạt cùng đoàn lân Long Nhi Đường từ 4 năm trước, em Lê Văn Hiếu (19 tuổi) xúc động chia sẻ: "Khoảng 1 năm về trước, ba mẹ của em đã chia tay nhau mà một mình mẹ phải nuôi tận 5 người nên em đã xin anh Nam cho em ngủ ở lại đội và đi múa lân để có tiền giúp đỡ mẹ nuôi các em. Từ lúc em vào đoàn, ngoài múa lân ra em học được rất nhiều thứ từ kỹ năng sống, cách ứng xử đối với mọi người ở ngoài xã hội giúp em trưởng thành hơn".

Đoàn lân của những đứa trẻ bụi đời - 14

Vào khoảng 17h hàng ngày, ba Nam luôn chờ sẵn ở cửa để đoán những người con của mình đi học về.

Em Lê Bùi Hưng Phú (14 tuổi) chia sẻ: "Em mới tham gia đội lân gần được một năm, mới đầu thì em không biết gì cả nhưng nhờ có các anh trước chỉ cho em cách múa, những kinh nghiệm sống nên em rất thích chơi với mấy anh".

 Trong tương lai, anh Nam có mong muốn bản thân mình sẽ xây dựng được một cái trung tâm trao và nhận. "Trong trung tâm này, tôi sẽ cho mọi người học một cái nghề riêng tùy theo sở thích. Đồng thời, chúng tôi sẽ nhận tất cả của cho để sửa chữa và tiếp tục cho lại những người yếu thế cần đến. Chỉ một ao ước thế thôi", anh Nam bày tỏ.