DN Hàn Quốc: Cần tuyển hàng chục ngàn lao động theo diện EPS hồi hương

Trao đổi với PV Dân trí ngày 18/7, ông Phan Văn Minh - GĐ Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) - cho biết, gần 20 Phiên GDVL dành cho lao động Việt Nam từ Hàn Quốc về nước đã được tổ chức, gần 800 lao động đã có việc làm ổn định. Người lao động tự nguyện hồi hương có nhiều cơ hội tìm việc và các chính sách ưu đãi khác.

Phiên GDVL dành cho lao động VN từ Hàn Quốc về nước
Phiên GDVL dành cho lao động VN từ Hàn Quốc về nước

Thưa ông, thời gian qua Trung tâm Lao động ngoài nước đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm sau khi về nước, xin ông có thể nói rõ hơn về công tác này?

- Đến nay, Trung tâm Lao động ngoài nước đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố tổ chức 18 Phiên Giao dịch việc làm dành cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước tại các tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hải Dương, Đồng Nai và Cần Thơ.

Các Phiên GDVL đã thu hút 440 lượt doanh nghiệp Hàn Quốc, gần 3.000 người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước tham dự, trong đó gần 800 người đã được các doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn.

Ngoài ra, Trung tâm Lao động ngoài nước đã thông báo trên trang web của Trung tâm thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam cho người lao động, trên cơ sở đó người lao động đã liên hệ trực tiếp với các công ty để tham dự phỏng vấn và nhiều người lao động đã được tuyển dụng vào làm việc tại các công ty này.

Hỗ trợ người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước tìm kiếm được việc làm phù hợp là một trong những biện pháp giúp người lao động yên tâm về nước khi hết hạn hợp đồng lao động, góp phần giảm tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

 “Công tác hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS sau khi về nước chính là việc cụ thể hóa nội dung điều 59 và 60 của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” - ông Phan Văn Minh nói.

Theo đánh giá của Trung tâm, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam ra sao? Lao động Việt Nam có nhu cầu tìm việc tại các doanh nghiệp này sẽ phải liên hệ ở đâu và được hỗ trợ những gì?

- Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam rất lớn, có hàng trăm doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng hàng chục ngàn lao động vào làm việc.

Đặc biệt, người lao động đã làm việc tại Hàn Quốc về nước được ưu tiên bởi có tay nghề, kinh nghiệm và tác phong công nghiệp cũng như khả năng giao tiếp bằng tiếng Hàn.

Sau khi tiếp nhận và tổng hợp nhu cầu đăng ký hỗ trợ giới thiệu việc làm của người lao động, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ phối hợp với Sàn GDVL các tỉnh, thành phố có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư sản xuất kinh doanh để tổ chức các Phiên GDVL dành cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước.

Mặt khác, Trung tâm sẽ giới thiệu trực tiếp người lao động cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam có nhu cầu tuyển dụng.

Ngoài ra, Trung tâm sẽ thông báo thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Trung tâm nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam để người lao động liên hệ đăng ký dự tuyển.

Nhiều lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp vẫn băn khoăn về sự chênh lệch về mức thu nhập giữa việc làm tại Hàn Quốc và Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến họ không trở về nước, ông có ý kiến gì về điều này?

- Đúng là có sự chênh lệch khá lớn về mức thu nhập giữa việc làm ở trong nước và tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, hiện có 14 nước khác ở châu Á cùng tham gia phái cử lao động sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS như Việt Nam.

Trong đó có một số nước với mức thu nhập bình quân đầu người không cao hơn Việt Nam nhưng tỉ lệ lao động bất hợp pháp của họ tại Hàn Quốc rất thấp, ví dụ như Campuchia, tỉ lệ lao động bất hợp pháp trung bình chỉ khoảng 7%.

Thời gian qua, gần 20 Phiên GDVL đã được tổ chức cho lao động VN từ Hàn Quốc về nước
Thời gian qua, gần 20 Phiên GDVL đã được tổ chức cho lao động VN từ Hàn Quốc về nước

Trong 4 năm 10 tháng đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS người lao động đã tích lũy được cho mình một khoản thu nhập tương đối.

Tuy nhiên, nhiều người lao động hết hạn hợp đồng không chịu về nước mà muốn ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc để kiếm thêm thu nhập. Trong khi đó, nhiều người lao động khác ở quê nhà mong mỏi được một lần sang Hàn Quốc làm việc để thay đổi cuộc sống thì lại không có cơ hội.

Người Việt Nam vốn có truyền thống đạo lý cao đẹp, trong đó lòng nhân ái luôn được đặt lên hàng đầu với câu tục ngữ: “Lá lành đùm lá rách”. Những người lao động hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc chỉ vì lợi ích của bản thân, không vì lợi ích chung, đi ngược lại truyền thống đạo lý cao đẹp đó.

Được biết, phía Hàn Quốc đã có chính sách miễn, giảm xử phạt đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nhằm khuyến khích họ tự nguyện về nước, xin ông có thể nói rõ hơn về việc này?

- Theo thông tin từ Bộ Tư pháp Hàn Quốc, hiện nay có khoảng 226.000 người nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trong đó có 26.000 người Việt Nam, trong số đó có khoảng 15.600 người lao động theo chương trình EPS. Một bộ phận người nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã vi phạm pháp luật nước sở tại, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh và trật tự xã hội.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Hàn Quốc đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp, trong đó có việc truy quét đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Đồng thời, một chính sách miễn giảm xử phạt đang được áp dụng đối với những người tự nguyện về nước. Cụ thể, người lao động tự nguyện hồi hương không phải nộp tiền phạt (không phụ thuộc thời gian cư trú bất hợp pháp ngắn hay dài), không bị tạm giam, có thể tự do đăng ký về nước theo điều kiện của bản thân.

Ngoài ra, căn cứ vào thời gian cư trú bất hợp pháp, thời hạn cấm nhập cảnh Hàn Quốc sẽ được miễn hoặc giảm bớt:Nếu bị bắt thì thời gian cấm nhập cảnh vào Hàn quốc tối đa sẽ là 10 năm nhưng trường hợp tự nguyện về nước, sẽ được giảm xuống còn 2 năm.

Đây là cơ hội tốt để những người lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc hồi hương.

- Xin cảm ơn ông

Người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS có nhu cầu tìm việc làm tại các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam có thể liên hệ với Phòng Hỗ trợ việc làm (Trung tâm Lao động ngoài nước) qua các hình thức sau: Truy cập vào trang thông tin điện tử của Trung tâm Lao động ngoài nước http://www.colab.gov.vn để đăng ký; Đăng ký thông tin cá nhân trực tiếp hoặc gửi đơn đăng ký hỗ trợ giới thiệu việc làm về địa chỉ: Phòng Hỗ trợ việc làm - Trung tâm Lao động ngoài nước, số 1 Trịnh Hoài Đức, Đống Đa, Hà Nội.

Hoàng Mạnh (thực hiện)