Điều quan trọng với người tìm việc: Hiểu văn hóa doanh nghiệp

Kinh nghiệm, kiến thức, bằng cấp... của người tìm việc là yếu tố cần nhưng không đủ, yếu tố phù hợp văn hóa doanh nghiệp (DN) là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá người tìm việc trong quá trình tuyển dụng.

“Bạn biết gì về DN chúng tôi?”, một câu hỏi mà những người tìm việc sẽ luôn gặp trong các lần phỏng vấn. Khi đặt ra câu hỏi này, người tuyển dụng nhắm đến mục đích lớn hơn đó là đánh giá kiến thức và sự hiểu biết về văn hóa DN - nơi mà người xin việc đang nộp đơn.

Thực tế rất khó và dường như là không bao giờ người tìm việc có thể hiểu hoặc biết được văn hóa của DN trừ khi đã được tuyển dụng và làm việc tại DN. Tuy nhiên, người tìm việc có thể tìm hiểu văn hóa DN theo nhiều cách khác nhau như nghiên cứu và quan sát. Dưới đây là vài gợi ý cho người tìm việc:

Trước khi nộp hồ sơ: Văn hóa của DN thể hiện qua các mẫu quảng cáo, do vậy, người tìm việc nên xem kỹ từng chi tiết như câu chữ, logo... để tự đánh giá xem cá nhân người tìm việc có bao nhiêu phần trăm đáp ứng được các yêu cầu để quyết định liệu có nên nộp hồ sơ hay không? Nếu như đáp ứng được từ khoảng 80% - 85% của yêu cầu tuyển dụng thì bạn nên nộp đơn, không nên nộp đơn theo kiểu “cầu may”.

Trước ngày phỏng vấn: Nên tìm các thông tin liên quan đến DN thông qua các bản báo cáo, thông tin dữ liệu trên Internet.

Trước giờ phỏng vấn: Người tìm việc nên đến sớm hơn giờ đã hẹn để có thời gian quan sát hành vi, ứng xử với nhau, trang phục, tác phong làm việc của nhân viên trong DN để biết mức độ chuyên nghiệp.

Sau khi được tuyển dụng: Ngoài những nỗ lực của DN giúp nhân viên mới hội nhập và phát triển thì chính bản thân nhân viên cũng phải nỗ lực hết mình để phù hợp với văn hóa DN.

Dù ở vị trí người tìm việc hay đã là nhân viên của DN thì phải luôn luôn tự tìm hiểu, học hỏi, tiếp thu những kiến thức mới như kỹ năng giao tiếp, thu thập và phân tích thông tin, kỹ năng giải quyết vấn đề, văn hóa, phong tục tập quán Việt Nam và các nước không chỉ nhằm mở rộng kiến thức để nhanh chóng hội nhập mà còn tránh được các xung đột văn hóa vốn gây ra do sự khác biệt về ngôn ngữ, giới tính, quốc tịch...

Theo Người Lao Động