Điều kiện sa thải người lao động

Cty tôi xảy ra đình công đòi tăng lương do quá khích một số công nhân đã đập phá làm hỏng một dây chuyền sản xuất và một số nguyên vật liệu trị giá 100 triệu đồng.

Điều kiện sa thải người lao động
Giám đốc Cty ra quyết định sa thải số công nhân đã có hành vi đập phá trên và yêu cầu họ bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra. Những người lao động bị sa thải yêu cầu toà án có thẩm quyền giải quyết. Xin hỏi báo Lao Động:

1. Quyết định sa thải của Cty là đúng hay sai?

2. Toà án nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc trên?

Thuyduongk….43@gmail.com

Trả lời:

Về quyết định sa thải người lao động

Hình thức xử lý kỷ luật sa thải chỉ được áp dụng khi có đủ căn cứ quy định tại Điều 126 Bộ luật LĐ 2012, bao gồm: Người lao động (NLĐ) có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động (NSDLĐ).

Trong trường hợp này, NLĐ đã có hành vi xâm hại nghiêm trọng đến tài sản và lợi ích của NSDLĐ. Đây cũng là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 2 Điều 219 BLLĐ 2012: Nghiêm cấm hành vi dùng bạo lực, hủy hoại máy móc, thiết bị, tài sản của NSDLĐ.

Hình thức kỷ luật sa thải phải được áp dụng theo đúng trình tự thủ tục theo điều 123, 124 BLLĐ 2012.

Như vậy, nếu NSDLĐ tuân thủ đúng quy định về căn cứ sa thải nêu trên và hành vi vi phạm có quy định trong nội quy lao động của Cty và trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật theo đúng Bộ luật LĐ thì quyết định sa thải của NSDLĐ là đúng quy định.

Về tòa án có thẩm quyền giải quyết

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi năm 2011, tòa án nơi bị đơn đặt trụ sở có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về lao động. Những vụ việc mà không có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc không cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho tòa án nước ngoài thì do TAND cấp huyện giải quyết.
Theo Báo Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm