Điều kiện lao động nữ được nghỉ hưu trước tuổi

Bà Vũ Thùy Trang (tỉnh Thái Bình) sinh tháng 8/1971, đóng BHXH được 21 năm, làm việc trong điều kiện bình thường. Nay bà Trang sức khỏe yếu, có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi.

Theo Luật BHXH mới, từ ngày 1/1/2016, nam 51 tuổi, nữ 46 tuổi mất khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng mức lương hưu thấp nhất, nhưng đến tháng 8/2016 bà Trang mới tròn 45 tuổi. Bà Trang hỏi, đến tháng 9/2016 bà sang tuổi 46 thì có thể giám định sức khỏe để chờ đến tháng 8/2017 hưởng lương hưu không?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời bà Trang như sau:

Theo quy định tại Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì: “Người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% và đảm bảo điều kiện về tuổi đời theo bảng dưới đây:

Điều kiện lao động nữ được nghỉ hưu trước tuổi - 1

2. Bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi.

3. Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành”.

Đối chiếu quy định nêu trên, bà Trang sinh tháng 8/1971, đã tham gia BHXH 21 năm, làm việc trong điều kiện bình thường, nếu bà có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên trong tháng 7/2016 thì bà được hưởng lương hưu kể từ tháng 9/2016 (sau tháng sinh nhật đủ 45 tuổi).

Trường hợp bà suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% thì khi bà đủ 50 tuổi (tháng 8/2021) bà mới đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động.

Theo Chinhphu.vn