Điều chưa kể phía sau thu nhập trăm triệu đồng của kỹ thuật viên âm thanh
Kỹ thuật viên âm thanh là nghề hoàn toàn mới, lạ lẫm với nhiều người. Tuy vậy, cùng với sự phát triển của âm nhạc, nghệ thuật nói chung và rap Việt nói riêng, nghề này đang ngày một phát triển và mang tới nhiều triển vọng, cơ hội cho giới trẻ.
Lê Hoàng Hà, hay còn gọi là Hà Lê (23 tuổi, Hà Nội) - một music producer (nhà sản xuất âm nhạc) đồng thời cũng là sound engineering (kỹ thuật viên âm thanh) của Lowa Recordings. Đây là studio chuyên edit các tác phẩm âm nhạc, chủ yếu về nhạc rap cho nhiều ca sĩ nổi tiếng.
Chia sẻ về công việc khá thú vị này, Hà Lê cho biết, từ lúc học cấp 3 đã đam mê với sản xuất âm nhạc. Trước đây, Hà Lê cùng nhóm bạn thực hiện đam mê nhưng học xong cấp 3 nhiều bạn không trụ được.
Mãi tới lúc đi học đại học (cách đây hơn 1 năm) thì 2 người bạn thân của Hà Lê mới tách ra đi học âm nhạc. Người đi học nhạc cụ, người đi dạy nhạc cụ, người học sáng tác, người học sound engineering.
Sau khi mọi người có lượng kiến thức nhất định cũng như hoạt động cùng anh em chơi hip hop, rap thì mới dần phát triển công việc. Lúc này nhiều anh em chơi nhạc rap mới tìm tới gửi gắm để nhóm chỉnh sửa các tác phẩm âm nhạc. Lowa Recording ra đời từ đó.
Hà Lê chia sẻ: "Hy vọng các bạn trẻ giữ được lửa, giữ được đam mê. Nhờ có chương trình King of Rap hay Rap Việt, nên các cuộc chơi âm nhạc dễ hơn nhiều. Có nhiều các team cần âm nhạc, cần rap... đây là thời điểm thích hợp để các bạn làm nghề kỹ thuật viên âm thanh có thể thể hiện tài năng của mình".
"Làm nghề cũng mệt... nhưng sản phẩm được khán giả đón nhận thì rất vui"
Hà Lê nhớ lại quãng thời gian mới tìm đến sở thích khá là khó khăn, gặp nhiều cản trở. Trước đó Hà Lê rất khó để có thể chứng minh cho xã hội, gia đình thấy việc làm nhạc, hay chơi hip hop là thế mạnh hoặc việc chơi âm nhạc, sản xuất âm nhạc sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho bản thân.
Theo Hà Lê, hiện nay không chỉ có các nhạc sĩ chuyên nghiệp, ngay cả những người chơi nhạc nghiệp dư cũng chú ý tới kỹ thuật trong âm nhạc.
"Thực sự trong nghề này, có những lúc nhận được những sản phẩm tốt, khiến mình hứng thú nhưng cũng có những lúc nhận được bản nhạc khiến mình không thấy hứng thú. Thời gian đầu mình khá e ngại. Nhưng sau khi làm việc nhiều thì mình càng hiểu, đó là cơ hội để mình trau dồi nghề nghiệp phát triển. Dần dần kỹ năng của bản thân và cả các bản nhạc của khách hàng chỉn chu, chất lượng", Hà Lê chia sẻ về hạnh phúc nho nhỏ trong nghề.
Chia sẻ thêm về công việc, Hà Lê cho biết, nghề này cũng mệt, có khi phải ngồi trong phòng thu rất lâu, ngồi miết từ 5-10 tiếng đồng hồ. Tuy vậy khi được khán giả đón nhận thì bản thân anh rất hạnh phúc.
Thu nhập tới cả trăm triệu đồng/tháng
Theo Minh Thắng (44 tuổi, TP.HCM) - một kỹ thuật viên âm thanh thì công việc của kỹ thuật viên âm thanh không đơn thuần chỉ là xử lý bản nhạc mà còn có thể là kỹ thuật viên âm thanh xử lý phim ảnh; xử lý bản nhạc giao hưởng; làm việc với ban nhạc, nghệ sĩ, đạo diễn…
Có tới hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề, Minh Thắng cho biết, đa phần những kỹ thuật viên âm thanh hiện nay không được đào tạo chuyên nghiệp, đều đến từ việc đam mê với âm thanh. Hiện nay cũng có 1 số cơ sở bắt đầu thực hiện đào tạo nghề này, nhưng chưa chuyên nghiệp.
"Công việc đòi hỏi người lao động cần phải hướng nội, làm việc nhiều giờ với máy tính. Có những ngày phải ngồi làm việc tại phòng thu từ 12-14 tiếng/ngày", Minh Thắng nói.
Cũng theo anh Minh Thắng, làm nghề kỹ thuật âm thanh quan trọng phải dựa trên nội dung và nâng tầm chất lượng nội dung.
Chia sẻ về mức thu nhập của công việc này, Minh Thắng cho biết, có nhiều mức thu nhập dành cho một kỹ thuật viên âm thanh. Với những người làm nghề chuyên nghiệp, có tay nghề thì mức thu nhập cỡ 40-50 triệu đồng/tháng.
Có những kỹ thuật viên âm thanh trình độ cao hơn thường xuyên làm việc với các bài hit nổi tiếng của giới ca sĩ mức thu nhập có thể còn cao gấp đôi, lên tới cả trăm triệu/tháng. Tất nhiên mức thu nhập này không đều, cao thấp đều tùy thuộc vào sản phẩm mà kỹ thuật viên âm thanh đó xây dựng.