Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của lao động nữ ra sao?
(Dân trí) - "Việc điều chỉnh tuổi hưu được tính từ năm 2021. Chúng tôi đang dự kiến lộ trình tăng mỗi năm từ 3-6 tháng cho tới khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi. Ban soạn thảo sẽ lựa chọn 1 trong 2 phương án tăng cụ thể nhằm đảm bảo an toàn, đồng bộ với hệ thống pháp luật".
Ông Hà Đình Bốn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), trao đổi với báo giới bên lề Hội thảo Thúc đẩy bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ luật Lao động do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hôm 19/10 tại Hà Nội.
Cũng theo ông Hà Đình Bốn, cho biết, dự án sửa đổi Luật Lao động năm 2012 đang được Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu và sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến trong thời gian tới. Trong đó, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ là một nội dung lớn, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.
Về nguyên tắc, quy định tuổi nghỉ hưu sẽ được thiết kế theo hướng thu hẹp khoảng cách giữa lao động nam và nữ. Đồng thời với điều này là việc tăng tuổi hưu của lao động nữ hiện nay lên.
Ông Hà Đình Bốn lưu ý: “Nhưng việc tăng cần có lộ trình, đảm bảo không gây sốc và liên quan đến hệ thống pháp luật, BHXH, tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần có thời gian để bố trí, sắp xếp công việc".
Đồng thời, việc tăng tuổi hưu không quá nhanh nhằm tránh làm đảo lộn các quy định về chi trả lương hưu và ảnh hưởng tới quỹ BHXH.
Bày tỏ quan điểm riêng, PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức TP Hà Nội - cho rằng, việc triển khai công tác bình đẳng giới của Việt Nam thời gian qua đã có những bước tiến đáng kể.
Điều này được minh chứng rõ nét qua vai trò của phụ nữ thể hiện ở nhiều vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, kinh tế…
Bàn về việc điều chỉnh tuổi hưu của lao động nữ trong Luật Lao động, TS Bùi Thị An cho rằng cần xem xét một cách căn cơ hơn nữa: “Tôi cho rằng cần thay đổi phương pháp tiếp cận Hiến pháp, trong đó quy định phụ nữ và nam giới được bình đẳng trong mọi quyền lợi, trong đó có quyền làm việc. Tức là phụ nữ và nam giới được quyền làm việc như nhau, tuổi bắt đầu làm việc và tuổi nghỉ hưu bằng nhau”.
TS Bùi Thị An đặt câu hỏi: “Điều kiện kinh tế - xã hội đang phát triển, phụ nữ được đào tạo, giáo dục như nam giới. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ là 76, cao hơn nam giới 3 tuổi. Vậy cơ sở khoa học nào để quy định nữ giới phải nghỉ hưu sớm hơn nam giới?”.
Trên cơ sở đó, TS Bùi Thuý An đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nên nghiên cứu kỹ việc điều chỉnh tuổi hưu nhằm đảm bảo sự phát triển của lao động nữ.
“Nếu muốn ưu tiên, có thể ưu tiên về số năm đóng BHXH để được hưởng tối đa chế độ khi về hưu đối với nữ. Riêng với các ngành nghề lao động nặng và độc hại, cả nam và nữ đều cần có sự ưu tiên” - TS Bùi Thị An phân tích.
Phụ nữ còn gánh vác thêm thiên chức làm mẹ, làm vợ
Cũng trao đổi về việc điều chỉnh tuổi hưu lao động nữ, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng, nếu quy định tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau ở mức 60 hoặc 62 tuổi chưa chắc đã là bình đẳng.
“Phụ nữ còn thiên chức làm mẹ, làm vợ, thiên chức gia đình. Hiện nay các cơ quan chức năng vẫn đang nghiên cứu để tìm ra phương án hợp lý nhất. Có thể tuổi nghỉ hưu bằng nhau mới là bình đẳng, cũng có thể thấp hơn nhưng vẫn bảo đảm sự bình đẳng. Khi bàn về vấn đề này còn cần cân nhắc tới các yếu tố như tâm lý, sinh lý, yếu tố con người” - ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.
Cũng theo ông Lợi, quan trọng hơn cả là cần tạo điều kiện để phụ nữ được trao quyền. Phụ nữ có quyền được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm nay 2 năm, tùy theo lựa chọn.
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, trong quá trình sửa đổi luật cần tiếp thu, lấy ý kiến từ nhiều nhóm lao động khác nhau để đảm bảo tính chính xác, khách quan, công bằng.
Hoàng Mạnh