Điều chỉnh lương tối thiểu: Những quan điểm trái chiều

Có khá nhiều quan điểm khác nhau xung quanh phương án điều chỉnh lương tối thiểu lên mức cao nhất 2 triệu đồng/tháng.

Có ý kiến cho rằng, việc tăng lương tối thiểu sẽ làm tăng chi phí lao động của doanh nghiệp, do vậy sẽ làm giảm cầu về lao động. Như vậy, có nguy cơ sau khi tìm được lời giải cho "bài toán" đảm bảo cuộc sống cho người lao động khi giá cả tăng cao, thì lại phải đi tìm lời giải cho "bài toán" thất nghiệp.

 

Tuy nhiên, cũng có những quan điểm trái chiều, cho rằng điều chỉnh tiền lương sẽ không ảnh hưởng nhiều, không có ý nghĩa thống kê trong câu chuyện thất nghiệp.

 

Xin giới thiệu ý kiến của một số chuyên gia và doanh nghiệp xung quanh vấn đề này.

 

Chắc chắn ảnh hưởng đến việc làm

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

 

"Khi lạm phát cao, giá cả tăng cao lao động gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã có chủ trương điều chỉnh lương tối thiểu để đảm bảo mức sống cho người lao động. Tuy mức lương mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất so với nhu cầu thực tế có thể nói còn đang khiêm tốn, nhưng phải tính đến khó khăn của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, khi chi phí đầu vào tăng cao mà đầu ra lại gặp khó.

 

Có chủ trương điều chỉnh lương tối thiểu trong giai đoạn này Chính phủ cũng gặp áp lực, khi một bên là đời sống người lao động, một bên là khó khăn của doanh nghiệp. Vì thế, điều chỉnh lương cũng nên nhìn ở góc độ chia sẻ khó khăn chung của cả hai bên, không nên tạo áp lực dồn lên đầu vào của doanh nghiệp.

 

Thực tế, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp sử dụng hàng nghìn lao động thì mọi động thái điều chỉnh lương của Nhà nước đều ảnh hưởng rất lớn đến họ.

 

Và, khi điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng cao quá, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc làm của người lao động. Doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc có tuyển mới lao động hay không, do đó cơ hội tìm việc làm mới sẽ giảm đi. Chưa kể đến việc khó khăn quá doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động, gây thất nghiệp”.

 

Lo gánh nặng về bảo hiểm xã hội

Ông Chu Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Simco Sông Đà

 

"Tôi thực sự lo lắng về việc tăng lương tối thiểu mặc dù hiện mức thu nhập của công nhân và nhân viên trong công ty đã vượt quá 2 triệu đồng/tháng.

 

Hiện thời công ty chúng tôi có hai nhà máy sản xuất ván gỗ và may mặc tại Hòa Bình với hơn 700 công nhân, mức thu nhập trả theo khoán sản phẩm của công nhân cũng đạt từ 3- 4 triệu đồng/tháng. Dưới mức thu nhập này rất khó để tuyển dụng lao động.

 

Tuy nhiên, điều tôi lo lắng là với mức lương tối thiểu điều chỉnh cao như vậy sẽ làm tăng không nhỏ tiền đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng. Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng như hiện nay, việc tăng hàng trăm triệu tiền đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên hàng tháng cũng là một gánh nặng.

 

Thêm nữa, chúng ta chỉ quan tâm đến quyền lợi của người lao động trong khi doanh nghiệp đang phải gồng mình với lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng cao và khó khăn về vốn. Thêm việc tăng lương, tăng đóng bảo hiểm xã hội, sẽ có không ít doanh nghiệp nhỏ phải tính đến chuyện đóng cửa. Lúc đó, người lao động bị mất việc làm thì còn đâu quyền lợi mà đòi nữa?".

 

Chưa thấy doanh nghiệp nào phá sản vì trả lương thỏa đáng

Ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam)

 

"Chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát thực tế đời sống công nhân từ tháng 3 đến tháng 7/2011 trên địa bàn 9 tỉnh trong cả nước và nhận thấy, mức lương tối thiểu ở khu vực 1 phải là 3,1 triệu đồng/tháng, ở khu vực 4 cũng phải 2,6 triệu đồng/tháng thì mới đủ đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.

 

Cũng theo khảo sát của chúng tôi, chưa thấy doanh nghiệp nào phá sản vì trả lương thoả đáng cho người lao động. So với nhiều nước trong khu vực, lương của lao động Việt Nam hiện nay đang quá thấp, chỉ hơn được Lào và Campuchia. Vì thế, đừng có sợ vì trả lương cao mà doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất hay không thu hút được đầu tư nước ngoài.

 

Tôi cho rằng việc tăng lương thoả đáng cho lao động doanh nghiệp được nhiều hơn mất. Bởi, giữ được người lao động, doanh nghiệp sẽ không phải tốn kém chi phí cho việc tuyển dụng, đào tạo lao động mới do lao động nhảy việc. Hơn nữa, đồng lương cũng là một trong những động lực khiến lao động làm việc hiệu quả hơn”.

 

Tác động lên việc làm không có ý nghĩa thống kê

Ông Nguyễn Việt Cường, Công ty Nghiên cứu và tư vấn Đông Dương

 

"Thực tế, lương tối thiểu hiện nay mà Nhà nước quy định vẫn ở mức thấp, chỉ gấp khoảng 2 lần chuẩn nghèo. Vì thế, tăng lương tối thiểu lúc này là cần thiết để đảm bảo mức sống cho người lao động có thu nhập thấp trong bối cảnh lạm phát cao.

 

Tôi cho rằng điều chỉnh lương tối thiểu sẽ không làm ảnh hưởng đến việc làm nếu lương tối thiểu gần với mức lương thị trường, hoặc người lao động có khả năng đàm phán mức lương.

 

Trường hợp tăng không gần với mức lương thị trường thì tác động của tăng lương tối thiểu lên việc làm là rất nhỏ và không có ý nghĩa thống kê. Bởi, việc tăng lương tối thiểu có thể làm giảm khả năng có việc làm trong khu vực chính thức nhưng họ lại tìm được việc làm tại khu vực phi chính thức.

 

Trong nhiều hoàn cảnh và trường hợp, tăng lương tối thiểu sẽ mang lại các tác động tích cực như khuyến khích người lao động, tăng năng suất lao động, giảm số người hưởng trợ cấp xã hội và sẽ làm tăng tổng cầu tiêu dùng".

 

Không chỉ mang ý nghĩa bù trượt giá

Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

 

"Chủ trương nâng mức sống tối thiểu của người lao động lên khi CPI tăng nhanh là đúng.

 

Tuy nhiên, tăng lương tối thiểu thì phải tính đến nhiều yếu tố khác như tốc độ tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế chứ không chỉ tính đến CPI. Nếu xem việc điều chỉnh tiền lương chỉ mang ý nghĩa bù trượt giá thì thực tế sẽ không cải thiện được mấy khi chính việc tăng lương lại tác động đến giá cả. Tăng lương thì giá cả sẽ tiếp tục tăng.

 

Vì thế, việc tăng lương phải nhìn ở góc độ trả lương cho đúng giá trị của sức lao động bỏ ra.

 

Bàn ở góc độ ảnh hưởng của việc điều chỉnh tiền lương đến việc làm thì nó thực sự không ảnh hưởng khi chúng ta tin vào những con số mang “bệnh thành tích” của cơ quan quản lý".

 

Theo Vũ Quỳnh
VnEconomy