1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đi làm muộn 8 lần, cô gái bị công ty phạt 4,6 triệu đồng

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Hứng khởi nhận phiếu lương của tháng 9, chị C.H.P.T. bàng hoàng khi phát hiện bản thân bị phạt hơn 4,6 triệu đồng, trong khi tổng thu nhập chỉ hơn 6,5 triệu đồng.

Chị C.H.P.T. (ngụ tại Hà Nội) cho biết, công ty bắt đầu làm việc từ 8h đến 17h30. Số tiền bị phạt trên là hậu quả của 8 lần chị đi muộn (tổng 96 phút) và 2 buổi về sớm, dù có sự xét duyệt của trưởng nhóm (tổng 137 phút).

Thời điểm nhận việc, công ty thông báo mức phạt cho lỗi đi muộn hằng tháng được tính theo công thức như sau: lương cơ bản chia cho số ngày công thực tế, chia cho 8 (giờ làm hành chính), tiếp tục chia cho 60 (số phút mỗi giờ) rồi nhân cho số phút đi muộn, nhân 100%.

Đi làm muộn 8 lần, cô gái bị công ty phạt 4,6 triệu đồng - 1

Phiếu lương tháng 9 khiến chị T. bất ngờ vì bị phạt hơn 4,6 triệu đồng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tuy nhiên, hầu hết những quy định như vậy đều chỉ thông báo bằng miệng. Chị T. phải làm việc gần 6 tháng mà chưa có hợp đồng lao động với lý do "công ty mới thành lập".

Ngày 2/10 vừa qua, giám đốc thông báo chị T. đi muộn quá nhiều và cần chấn chỉnh lại. Đến ngày 3/10, chị bất ngờ bị sa thải từ cuộc gọi của giám đốc công ty mà không nhận được bất kỳ quyết định sa thải hay biên bản xử lý vi phạm nào.

Trong lúc đang bối rối, chị T. nhận được bảng lương tháng 9 và thêm bàng hoàng thấy bản thân bị phạt hơn 4,6 triệu đồng.

"Tôi yêu cầu công ty giải quyết vì không có quyền phạt số tiền lớn như vậy với người lao động nhưng kế toán thông báo sếp đã duyệt, không thể giải quyết. Tôi cố gọi cho sếp nhưng người này không nghe máy", chị T. nói.

Đi làm muộn 8 lần, cô gái bị công ty phạt 4,6 triệu đồng - 2

Đối mặt với áp lực công việc, người lao động còn đau đầu khi bị phạt tiền vì mắc lỗi (Ảnh minh họa: CNBC).

Theo chị T., văn phòng công ty nằm ở một tòa chung cư, không có thang máy riêng nên chị thường xuyên phải chờ thang máy rất lâu, dẫn đến việc đi trễ. Một số đồng nghiệp khác mắc lỗi tương tự, cũng phải cắn răng chịu phạt số tiền lớn.

Sau 2 ngày bị sa thải, chị T. vẫn chưa nhận được tiền lương từ công ty. Trong cảnh bất ngờ thất nghiệp, chị phải vay mượn tiền người thân, bạn bè để tạm chi trả phí sinh hoạt.

"Thông thường ngày 5 hằng tháng sẽ được nhận lương nhưng nay đã quá hạn tôi vẫn chưa thấy tiền. Tôi định sẽ dùng số tiền còn lại sau khi bị trừ phạt để trả nợ mà thực tế giờ khoản tiền này cũng chưa thấy", chị T. bức bối.

Tương tự, chị Hương Ly (ngụ TPHCM) cũng nhiều lần trải qua cảnh thưởng, phạt khắc nghiệt khi đi làm. Ly từng là cộng tác viên cho một đại lý du lịch, chuyên về các tour (chuyến du lịch) ngắn, hướng dẫn khách tham quan các điểm du lịch nội thành TPHCM.

Mỗi tour kéo dài hơn 5 giờ, Ly được trả công 300.000 đồng. Là cộng tác viên, Ly vẫn có hợp đồng lao động nhưng trong văn bản không đề cập mức thưởng, phạt. Tuy nhiên, sau đó công ty vẫn thông báo miệng về quy định phạt lỗi đi làm trễ, với mức 200.000 đồng cho lần 1 và 500.000 đồng cho lần 2 và đuổi việc cho lần thứ 3.

Đi làm muộn 8 lần, cô gái bị công ty phạt 4,6 triệu đồng - 3

Nhiều nhân viên không chịu được chuyện phạt ngặt nghèo ở công ty (Ảnh minh họa).

Trong một lần không may đến trễ 2 phút, cô gái đã bị phạt hơn 60% tiền công ngày đi làm hôm đó.

"Tôi không tìm hiểu nhiều về luật và nghĩ mình chỉ là cộng tác viên nên cứ âm thầm chịu phạt. Ngày hôm đó đi làm tôi chỉ được nhận 100.000 đồng tiền công, đổ xăng và ăn tối là hết sạch", Ly bộc bạch.

Kim Mai (22 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) là nhân viên thu ngân ở nhà hàng Nhật cũng từng bị phạt vì đủ lỗi quái gở.

"Khi tôi lỡ nhập sai tên món trên hệ thống hoặc khách mua qua ứng dụng hủy đơn khi nhân viên chưa nhấn thanh toán thì tôi cũng phải đền toàn bộ số tiền của đơn hàng đó", Mai buồn rầu khi nhớ lại nhiều lần bị phạt lần lượt số tiền từ 70.000-190.000 đồng.

Số tiền không lớn nhưng đối với Mai đó là cả một ngày đi làm vất vả. Là nhân viên bán thời gian, thu nhập cho 4 giờ làm việc của Mai chỉ được 120.000 đồng.

*Tên một số nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu.

Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TPHCM), việc doanh nghiệp phạt tiền người lao động là không đúng với quy định pháp luật.

Cụ thể, Điều 127 Bộ luật Lao động 2019, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động, gồm: Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động; phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động; xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.

Ngoài ra, theo điểm b, khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, quy định về mức xử phạt khi công ty yêu cầu phạt tiền người lao động vi phạm, người sử dụng lao động có hành vi dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động, sẽ bị xử phạt hành chính 20-40 triệu đồng tùy vào mức độ hành vi .