Di cư, thiếu việc làm đang là thách thức đối với ĐBSCL
(Dân trí) - Sự chênh lệch về mức sống và cơ hội việc làm dẫn đến luồng di cư từ ĐBSCL tới các đô thị và khu công nghiệp ở TPHCM và các tỉnh, thành Đông Nam Bộ.
Ngày 1/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên năm 2022. Báo cáo có chủ đề "Chuyển đổi mô hình phát triển và quy hoạch tích hợp", tập trung nghiên cứu mô hình chuyển đổi nông nghiệp, đánh giá tác động của quy hoạch tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 287/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành ngày 28/2.
Báo cáo thường niên 2022 là công trình nghiên cứu do VCCI chi nhánh Cần Thơ hợp tác cùng Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) thực hiện, với sự tham gia các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, chính sách, nông nghiệp, môi trường, năng lượng, giao thông, logistics… nhằm cung cấp thông tin về tình hình kinh tế ĐBSCL và những vấn đề quan trọng của vùng.
Lao động có trình độ đại học ở ĐBSCL thấp nhất nước
Về kinh tế ĐSBCL, kết quả nghiên cứu cho thấy, điểm sáng lớn nhất trong hai năm 2020-2021 là nông nghiệp. Bất chấp dịch bệnh trong năm 2021, khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn tăng trưởng mạnh (3,4%), cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của cả nước. Xuất khẩu nông thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam.
Báo cáo cũng chỉ ra ĐBSCL đang đứng trước thử thách của 3 vòng xoáy: "Vòng xoáy ngân sách" - phản ảnh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở ĐBSCL; "Vòng xoáy lao động" - xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư từ ĐBSCL đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam Bộ; "Vòng xoáy cơ cấu kinh tế" - căn nguyên của 2 vòng xoáy trên.
Báo cáo năm nay có 3 nội dung được phân tích chuyên sâu với nhiều kết quả ấn tượng: Chuyển đổi nông nghiệp; hạ tầng giao thông và logistics; tác động của quy hoạch tích hợp lên 3 lĩnh vực là chuyển đổi nông nghiệp, cơ sở hạ tầng giao thông, logistics và phát triển năng lượng.
Trong phần chuyển đổi nông nghiệp, báo cáo nêu, ở phương diện xã hội, thách thức đầu tiên của vùng là thiếu việc làm ở nông thôn. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động của ĐBSCL năm 2020 là 3,47%, cao thứ 2 toàn quốc, chỉ sau Tây Nguyên; tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn ĐBSCL cao gấp đôi so với khu vực thành thị (3,97% so với 1,87%).
Thách thức thứ 2 là tình trạng di cư. Sự chênh lệch về mức sống và cơ hội việc làm dẫn đến luồng di cư từ ĐBSCL lên các đô thị và khu công nghiệp ở TPHCM, Đông Nam Bộ.
Thách thức thứ 3 là tình trạng nghèo đói. ĐBSCL có tỷ lệ nghèo đa chiều (độ rộng của nghèo) giảm mạnh từ 19,5% năm 2016 xuống còn 8,1% năm 2020 nhưng mức độ thiếu hụt (độ sâu của nghèo) gần như không được cải thiện, vẫn thiếu hụt trung bình khoảng 34% của 10 chỉ số đo lường (giáo dục người lớn, giáo dục trẻ em, khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, chất lượng nhà, diện tích nhà, nguồn nước hợp vệ sinh, nhà vệ sinh, tiếp cận dịch vụ thông tin và tài sản thông tin).
ĐBSCL vẫn xếp thứ 2 về nghèo đa chiều, chỉ đứng trên khu vực Tây Nguyên. Các chỉ số đóng góp lớn vào mức độ nghèo đa chiều năm 2019 của ĐBSCL là nhà vệ sinh (20,1%), chất lượng nhà (19,1%) và giáo dục người lớn (18,4%).
Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người của ĐBSCL trong năm 2019 là 3,9 triệu đồng/tháng, thấp hơn mức 4,2 triệu đồng/tháng của cả nước. Đáng lưu ý, chỉ 3 địa phương có mức thu nhập nhỉnh hơn trung bình cả nước một chút, gồm: Cần Thơ, Tiền Giang và Long An.
Thách thức thứ 4 là vốn tri thức và kỹ năng của lao động còn thấp. ĐBSCL có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (14,9%) và tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên (6,8%) thấp nhất cả nước.
Chuyển đổi nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu!
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cho biết, tỷ trọng vốn đầu tư của ĐBSCL thấp hơn nhiều so với tỷ trọng đóng góp về GDP hay dân số, thu và chi ngân sách nhà nước trên đầu người của ĐBSCL cũng thấp hơn so với mức bình quân cả nước. Hệ quả là ĐBSCL mặc dù giàu có về tài nguyên, phong phú về tiềm năng nhưng tiếp tục tụt hậu về kinh tế.
"Với "vòng xoáy về ngân sách", nếu được đầu tư tốt hơn ĐBSCL sẽ cải thiện được về hạ tầng, khi có hạ tầng tốt sẽ thu hút đầu tư, người dân không phải di cư và thu nhập tăng lên.
Yếu tố "vòng xoáy về lao động", ĐBSCL là vùng có trình độ thấp, khi có việc làm lao động sẽ được đào tạo và thu nhập cao hơn. Cũng như cơ cấu kinh tế, cấu trúc kinh tế của ĐBSCL bị vòng, lặp trong vấn đề sản xuất, nông nghiệp, thương mại dịch vụ. Trong nông nghiệp, nếu không tháo gỡ về quan điểm, tư duy về an ninh lương thực sẽ không thay đổi được cơ cấu sản xuất, sẽ khó thu được giá trị cao hơn", ông Phương Lam chỉ rõ.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phân tích, báo cáo năm nay đã chỉ ra lần đầu tiên trong 2 thập kỷ qua, ĐBSCL có mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn bình quân cả nước, với mức tăng trưởng (GRDP) vùng giảm sâu (-0,43%) năm 2021, thấp nhất trong lịch sử phát triển của ĐBSCL.
Ngoài ra, giai đoạn 2016- 2020 không có thay đổi đáng kể trong cơ cấu kinh tế của vùng, công nghiệp và thương mại dịch vụ chưa đủ sức để trở thành trụ cột của nền kinh tế, đóng góp của ngành công nghiệp chế biến ngày một suy giảm. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành vốn là thế mạnh của vùng trong nhiều năm qua, nhưng nay đã suy giảm so với các vùng kinh tế khác và các nguồn vốn huy động từ tín dụng, thu hút FDI vẫn còn thấp so với tiềm năng.
Ông Phạm Tấn Công cho rằng, qua báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022, VCCI muốn gửi đến thông điệp: "ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi, hãy nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng phải bền vững".
"Cả thế giới đang được khuyến nghị chuyển đổi số, nhưng với vùng ĐBSCL, chúng tôi khuyến nghị "chuyển đổi nông nghiệp" phải là một ưu tiên và quan tâm hàng đầu trong khu vực. Trong đó cần lưu ý đặc biệt đến chuyển đổi cơ cấu sản phẩm sang phân khúc giá trị cao, chuyển đổi phương thức tổ chức sản xuất, chuyển đổi cách thức chế biến, lưu thông, phân phối ra thị trường. Bên cạnh đó, cần đầu tư để gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông và logistics đang cản trở sự phát triển của mọi ngành kinh tế trong vùng", Chủ tịch VCCI nêu rõ.