Di cư ngược ở Trung Quốc: Lao động từ nông thôn ồ ạt bỏ phố về quê

Dân số lão hóa, chi phí sinh hoạt cao và sự xuất hiện của những loại hình kinh doanh mới như bán hàng livestream, thương mại điện tử đã đóng góp vào việc đảo ngược cuộc di cư tới các thành phố lớn...

Sau nhiều năm tìm kiếm vận may ở thành phố, người lao động từ nông thôn Trung Quốc đang quay trở về nhà - theo hãng tin CNBC.

Dân số lão hóa, chi phí sinh hoạt cao và sự xuất hiện của những loại hình kinh doanh mới như bán hàng livestream và thương mại điện tử là những nhân tố đóng góp vào việc đảo ngược cuộc di cư tới các thành phố lớn vốn giữ vai trò định hình sự phát triển bùng nổ của kinh tế Trung Quốc trong mấy thập kỷ qua.

Dữ liệu chính thức cho thấy hàng triệu người lao động Trung Quốc không quay trở lại thành phố để làm việc sau khi về quê nghỉ dịch Covid-19 trong năm ngoái. Tính đến tháng 3 năm nay, số lao động di cư ở Trung Quốc vẫn ít hơn 2,46 triệu người so với cùng kỳ 2019.  

Di cư ngược ở Trung Quốc: Lao động từ nông thôn ồ ạt bỏ phố về quê - 1

Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.

"Dòng người từ nông thôn ra thành thị tìm việc làm đã chậm lại từ trước Covid, và đã lần đầu tiên suy giảm trong năm 2020", nhà kinh tế học Dan Wang thuộc Hang Seng China nhận định.

"Di cư ngược có thể tăng tốc trong mấy năm tới, một phần bởi người lao động không thể đáp ứng được mức giá đắt đỏ của nhà cửa ở thành phố và khó tiếp cận với hệ thống chăm sóc y tế thành thị" do không có hộ khẩu, bà Wang phát biểu. Một nhân tố quan trọng khác mà bà Wang đề cập là lão hóa dân số - tỷ lệ lao động di cư trên 50 tuổi đã tăng gấp đôi trong 12 năm qua, lên mức 26%.

Ngoài ra, dữ liệu chính thức cũng cho thấy thay vì đi tìm việc ở những thành phố lớn nhất cả nước như Bắc Kinh hay Thượng Hải, lao động di cư ở Trung Quốc giờ đây tìm việc nhiều hơn ở những nơi gần nhà hơn, chẳng hạn trong cùng tỉnh.

Các chính sách của Chính phủ Trung Quốc đóng góp vào xu hướng di cư ngược của lao động từ nông thôn. Các địa phương của nước này trong những năm gần đây đầu tư vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Cùng với đó, nhiều chính sách mới được áp dụng để thu hút lao động có học vấn và trình độ cao. Việc đô thị hóa nông thôn này tạo ra sức hút mới của những thành phố nhỏ và thị trấn đối với người lao động, khiến họ không còn khao khát ra thành phố lớn để tìm việc làm như trước kia.  

Theo số liệu chính thức, trong năm 2020, Trung Quốc có thêm 1,6 triệu người so với năm 2019 quay về quê để làm ăn với sự hỗ trợ của chính quyền. Hơn một nửa số dự án kinh doanh trong số này tập trung vào livestream và các phương pháp kinh doanh trực tuyến khác để bán hàng.

Ngoài ra, rất nhiều người ở các khu vực ngoài thành phố lớn đang làm hoặc tìm kiếm công việc trong "nền kinh tế kỹ thuật số", vì họ có thể làm việc từ xa cho những công ty thậm chí có trụ sở ở thành phố.

Theo nền tảng tìm kiếm việc làm Qingtuanshe, năm 2020 chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của số lượng đăng tuyển các công việc về livestream và các công việc liên quan khác. Tỷ lệ người lao động tìm kiếm những công việc này từ các thành phố cấp 3 và cấp 4 cũng tăng mạnh.

Báo cáo từ các cơ quan hữu quan thuộc Chính phủ Trung Quốc cho thấy nền kinh tế số đã phát triển đến mức đóng góp hơn 1/3 vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này. Trong năm 2020, có thêm hơn 50 triệu người ở các vùng nông thôn Trung Quốc trở thành người dùng Internet.

Trong những ngành công nghệ cao như linh kiện bán dẫn, Trung Quốc đang đối mặt tình trạng thiếu lao động trình độ cao, đến nỗi Đại học Thanh Hoa mới đây đã mở một trường chỉ chuyên về lĩnh vực con chip. Tình trạng thiếu lao động trình độ cao đồng nghĩa với việc những nhân sự giỏi giờ đây "chỉ muốn nhảy việc giữa một số công ty lớn nhất định", Giám đốc Yin Zheng của công ty nguồn nhân lực Moka cho hay.

Trong khi đó, đối với nhóm lao động trình độ thấp hơn, việc chuyển từ phố về quê đồng nghĩa với giảm được chi phí sinh hoạt, nhưng tiền lương cũng thấp hơn. Điều này làm gia tăng khoảng cách thu nhập ở Trung Quốc.

Một báo cáo của ngân hàng đầu tư Trung Quốc CICC nói rằng ở tầng đáy của thị trường lao động nước này, tỷ lệ thất nghiệp và tìm kiếm việc làm đều tăng lên kể từ khi đại dịch bắt đầu, cho thấy sự gián đoạn kết nối giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp (chỉ dựa trên khảo sát ở khu vực đô thị) ở Trung Quốc giảm nhẹ còn 5% trong tháng 5. Tuy nhiên, các thành phố của nước này từ đầu năm đến nay tạo được số lượng việc làm ít hơn 230.000 công việc so với cùng kỳ năm ngoái.