Để không bị đồng nghiệp “ bỏ rơi” nơi công sở
(Dân trí) - Hãy tưởng tượng xem bạn sẽ cảm thấy ra sao khi cả nhóm ra ngoài nhậu nhẹt sau giờ làm mà không nói với bạn hay mọi người bỏ đi khi bạn trình bày ý kiến của mình. Quả thật bạn đang bị đồng nghiệp “ bỏ rơi” tại chính nơi làm việc của mình.
Đôi khi những việc như vậy xảy ra một cách tình cờ khiến bạn phiền lòng đôi chút. Nhưng nếu chúng diễn ra thường xuyên, năng suất, tinh thần làm việc và mối quan hệ công sở bạn sẽ bị tác động mạnh mẽ. Do đó, hãy tìm hiểu nguyên nhân hành động phớt lờ bạn của đồng nghiệp. Có thể chính những hành động thiếu suy nghĩ của bạn là nguyên nhân.
Dưới đây là một số hành động như vậy và bạn cần tránh để tương tác với đồng nghiệp theo hướng tích cực hơn:
1. Phớt lờ cá nhân
Bạn chủ trì một bữa ăn trưa với các đồng nghiệp trong nhóm. Tuy nhiên, có một đồng nghiệp không tỏ ra hứng thú với đề tài bạn thảo luận nên bạn đã chủ động không rủ cô ấy đi ăn các lần tiếp theo. Làm như vậy có thể khiến đồng nghiệp đó cảm thấy mình không được coi trọng. Khi mời, hãy để cô ấy lựa chọn. Đồng nghiệp có thể không thích đi nhưng bạn lại ép cô ấy. Và như vậy dần dần các cá nhân khác sẽ tự động rời bỏ bạn vì sự không phù hợp. Hãy nhớ, đồng nghiệp sẽ không phớt lờ bạn nếu bạn là người “ bỏ rơi” họ trước.
2. Quá chú ý tới chủ nhân của câu chuyện
Bạn có một câu chuyện hay nhưng đồng nghiệp hoặc sếp lại tranh lời bạn. Điều đó có thể khiến bạn cảm thấy mình không được đánh giá cao và tự hứa sẽ không bao giờ chia sẻ ý kiến nào nữa.
Ai cũng biết cần phải đấu tranh đến cùng để bảo vệ ý tưởng của mình nhưng liệu đó có cần thiết khi mọi người chỉ đang nói chuyện phiếm để vui vẻ và không ai coi trọng ai nói gì. Do đó, hãy thoải mái và đừng quá chú ý tới chủ nhân của câu chuyện.
3. Ngắt lời đồng nghiệp
Bạn có thể biết chắc điều đồng nghiệp định nói và ngắt lời trước khi cô ấy kết thúc câu nói để tiết kiệm thời gian. Nhưng làm như vậy là mất lịch sự và không tôn trọng người khác. Hãy nghĩ trong đầu rằng mọi người xử lí thông tin theo các cách khác nhau và người đồng nghiệp đó có vẻ mất nhiều thời gian hơn để đi vào trọng tâm của vấn đề. Hãy cho đồng nghiệp thời gian để kết thúc suy nghĩ của mình thay vì xen vào ý kiến của bạn. Nếu không, bạn thậm chí có thể bỏ lỡ ý tưởng hay của người đó.
4. Không chú ý tới cảm nhận của đồng nghiệp
Khi đang nói chuyện với một đồng nghiệp, bạn bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại, bạn vội vàng nhận nó mà “ bỏ rơi” người đồng nghiệp kia. Anh/ cô ấy sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng. Nếu tiếp tục hành động như vậy với những người khác, cuối cùng chính bạn sẽ là người bị bỏ rơi. Do đó, hãy lịch sự xin lỗi người kia rồi nhận điện thoại hoặc chờ tới khi kết thúc cuộc nói chuyện rồi mới trả lời điện thoại, tin nhắn, email.
5. Tỏ ra kênh kiệu
Một đồng nghiệp mới tươi cười tới chỗ bạn bắt chuyện nhưng bạn lại lạnh lùng bỏ đi. Tất nhiên không ai muốn làm việc với một đồng nghiệp kênh kiệu như vậy nên việc bạn bị đồng nghiệp phớt lờ sớm muộn sẽ xảy ra. Do đó, hãy thân thiện và hòa đồng với mọi người. Chú ý tới từ ngữ và giọng nói khi nói chuyện và đừng tỏ ra mình thông minh, tài giỏi hơn người.
6. Nóng tính
Mọi người thường lảng tránh những người tính tình nóng nảy, cư xử thô bạo. Nếu bạn là người như vậy, hãy thay đổi để thân thiết hơn với đồng nghiệp.
7. Đọc nhầm tên đồng nghiệp
Đồng nghiệp có một cái tên không phổ biến. Nếu bạn không phát âm nó một cách chính xác hay tự động gọi sang một cái tên khác vui và dễ nhớ hơn khi chưa được phép của người đó có thể điều thất lễ. Khi bạn gặp ai đó với cái tên bạn chưa từng nghe tới, hãy hỏi lại, nói lại to lên và viết ra phòng trường hợp bạn quên.
Nếu từng trải qua sự coi thường, bị “ bỏ rơi” nơi công sở, chắc chắn bạn sẽ hiểu cảm giác thất vọng ra sao. Vì vậy, hãy kiểm soát những hành động thiếu chín chắn, có thể gây tổn thương người khác của mình và bạn sẽ có mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp trong văn phòng.
Theo Yahoo