Để không bị công việc quấy rầy trong kỳ nghỉ
(Dân trí) - Kỳ nghỉ thường là khoảng thời gian lý tưởng để thư giãn và xả stress sau những ngày đấu tranh quyết liệt trên mặt trận công sở. Tuy nhiên, không phải ai cũng có một kỳ nghỉ hoàn hảo vì họ còn bị công việc kìm chân.
Có rất nhiều lý do khiến kỳ nghỉ mất đi ý nghĩa thực sự của nó. Một số người rời khỏi văn phòng nhưng không rời khỏi công việc. Họ vẫn điện thoại, email đều đặn để theo dõi tốc độ công việc. Trong khi có những người “vắt chân lên cổ” để lo xong đống công việc ngổn ngang trước khi lên đường hoặc nhiều khi khối lượng công việc lớn đến nỗi họ phải hoãn chuyến đi đã lên lịch từ lâu.
Chuyên gia nghề nghiệp Valeria chia sẻ: “Những tình huống thường gặp trên khiến nhiều dân công sở không có điều kiện nghỉ ngơi dù họ có “cố” tận hưởng thì tâm trí họ cũng không thoải mái, điều này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng, mệt mỏi và tạo khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có cách giải quyết của nó và những lời gợi ý dưới đây chính là câu trả lời dành cho bạn”.
Giao tiếp với đồng nghiệp không có nghĩa là chuyện trò tầm phào mà là trao đổi về công việc. Trước khi bạn “du hí” hãy hoàn thành tối thiểu là một nửa số công việc còn tồn đọng, số còn lại bạn có thể nhờ tới sự can thiệp của đồng nghiệp. Cung cấp những thông tin cần thiết, hướng dẫn cách bạn thao tác công việc để đồng nghiệp có thể nắm bắt nhanh tính chất công việc của bạn.
“Hãy nhờ tới sự can thiệp của đồng nghiệp (người bạn đặc biệt tin tưởng), điều này không có gì là khó chấp nhận. Bạn vẫn sẽ theo dõi phần công việc của mình một cách đều đặn cùng sự trợ giúp đắc lực của đồng nghiệp. Bạn cũng không cần sợ mang tiếng nhờ vả vì biết đâu trong tương lai đồng nghiệp ấy cũng cần đến sự trợ giúp bạn”, Valeria nói.
Cách làm này dành cho những người quản lý. Nếu bạn là quản lý, bạn có thể ủy quyền cho một trong số những nhân viên “tay phải” để thay bạn làm chủ và quyết định những việc vừa tầm. Cử người đại diện thường là cách làm khá hiệu quả, bạn có thể có nhiều thời gian để nghỉ ngơi và tận hưởng những khoảng thời gian thoải mái sau những ngày làm việc căng thẳng không cùng nỗi lo về công việc.
Nghĩa là cố gắng hết sức không để công việc ảnh hưởng đến kỳ nghỉ bằng cách không mang máy tính, không kiểm tra email, và không để nhân viên làm phiền.
Cũng theo, Valeria: “Nếu bạn may mắn đủ điều kiện đi nước ngoài cũng đừng nên hét to cho cả công ty biết điều đó. Hãy nhớ rằng một số lớn đồng nghiệp không muốn thấy bạn bơi lội thoải mái ở biển Hawaii trong khi họ lăn lội với đống công việc ngổn ngang. Khiêm tốn và ít tiết lộ địa điểm du lịch hạng sang cho đồng nghiệp, tránh những tình huống không hay xảy ra”.
Đơn giản hóa bằng cách lên kế hoạch công việc cụ thể. Hãy bắt đầu những việc đơn giản, những việc “dễ thở” trong những ngày đầu tiên của kỳ nghỉ trong trường hợp bạn không có người đại diện hoặc chỉ nhờ đồng nghiệp giải quyết một phần nhỏ trong khối công việc đồ sộ. Bạn sẽ vẫn phải mang công việc đi theo, tuy nhiên việc bắt đầu từ những việc dễ dàng sẽ khiến tâm trạng của bạn thoái mái hơn.
Điều này cũng có hiệu quả tích cực khi bạn quay trở lại mặt trận công sở sau những ngày du hí đầy hứng thú. Bắt tay giải quyết những việc nhỏ để tạo không khí dễ thở cho những ngày làm việc tiếp theo.