Để có những lời nhận xét tốt khi đi xin việc
(Dân trí) - Thông thường, những nhận xét của đồng nghiệp về bạn sẽ khách quan hơn những gì bạn tự nói về bản thân mình. Điều này càng đúng hơn bao giờ hết khi bạn chuẩn bị hồ sơ xin việc.
Trong bối cảnh thị trường việc làm ngày một khó khăn hơn, những lời nhận xét, giới thiệu không mấy tích cực từ đồng nghiệp hay người quản lý sẽ có thể sẽ lấy đi cơ hội việc làm mà đáng lẽ ra ứng viên đó phù hợp, bởi thông thường có rất nhiều ứng viên giỏi và giàu kinh nghiệm trong các cuộc ứng tuyển.
Do đó, để chọn ra ứng viên xuất sắc nhất, nhiều nhà tuyển dụng đã nhờ đến việc xác minh thông tin ứng viên thông qua hỏi ý kiến đồng nghiệp nơi người đó từng làm việc hay xem thư giới thiệu.
Jeff Shane cho biết thêm, đừng bao giờ kỳ vọng sếp cũ hay giám đốc bộ phận nhân sự sẽ dễ dàng đặt bút viết cho người sắp hay đã rời khỏi công ty những lời giới thiệu hoàn hảo. Khi còn làm việc tại công ty, có thể sếp tỏ ra rất quý bạn, nhưng trong cuộc nói chuyện điện thoại với nhà tuyển dụng, họ có thể nói những điều dìm bạn xuống bùn đen. Trong khi đó, nhà tuyển dụng lại muốn nghe được những phản hồi thẳng thắn nhất.
Vậy, làm thế nào để có được những lời nhận xét tốt khi đi xin việc?
Bạn nên biết bạn bè hay gia đình thường không đưa ra nhận xét thực sự chuyên nghiệp, trong khi những người hiểu rõ về khả năng của bạn như đồng nghiệp cũ, giáo viên hướng dẫn hay chuyên gia bạn quen biết có thể là một nguồn thông tin hoàn hảo.
Quan trọng hơn, người được lựa chọn cho ý kiến phải có danh tiếng hoặc địa vị, điều này sẽ tạo ra ấn tượng tốt với người tuyển dụng.
Vì vậy, hãy chọn những người đáng tin cậy, có khả năng đưa ra những lời nhận xét tích cực, có lợi hoặc ít nhất cũng phải trung lập về thái độ, hiệu suất làm việc và đạo đức nghề nghiệp ở nơi bạn từng làm việc.
Dưới đây là một số bước lựa chọn những người phù hợp như vậy:
Liên lạc với người cho ý kiến
Bạn có thể viết một bức thư ngắn, gọi điện hoặc gặp trực tiếp người đó để thông báo rằng bạn đang tìm kiếm một công việc mới và cần lời nhận xét từ họ. Bạn cũng nên cho họ biết những điều cơ bản về bản sơ yếu lý lịch cũng như vị trí sắp ứng tuyển và những yêu cầu của nhà tuyển dụng sao cho người được hỏi ý kiến hiểu được rằng lời nhận xét của họ có ý nghĩa rất quan trọng để bạn có được cơ hội việc làm mới.
Xác minh lại các thông tin cá nhân
Hãy dành thời gian điểm lại những vị trí công việc bạn từng đảm nhiệm tại nơi làm việc trước đó và liên lạc với bộ phận nhân sự để chắc chắn rằng những thông tin ghi trong sơ yếu lý lịch là hoàn toàn chính xác. Điều này có thể giúp bạn tránh được những rắc rối không đáng có về sau.
Liên lạc thường xuyên với người cho ý kiến
Mỗi khi cho nhà tuyển dụng biết địa chỉ liên hệ của người cho ý kiến, đừng quên thông báo trước để họ chuẩn bị. Và nếu hành trình xin việc có nhiều tiến triển thuận lợi, bạn cũng nên chia sẻ với những người đã giúp bạn có được cơ hội đó.
Biết trước thông tin người cho ý kiến cung cấp
Đáng tiếc là nhiều ứng viên lại bỏ qua bước quan trọng này, không để ý xem họ sẽ được nhận xét như thế nào. Hãy chắc chắn rằng người cho ý kiến sẽ khen ngợi hoặc phản hồi tích cực nhất về bạn trước khi nhà tuyển dụng liên lạc với họ.
Thảo luận trước với người cho ý kiến
Bạn cũng đừng quên nhìn lại những khả năng hay thành tích đã đạt được và thảo luận trước với người cho ý kiến để họ biết sẽ phải trả lời như thế nào khi được hỏi về điểm mạnh, điểm yếu của bạn. Trong trường hợp người được hỏi có thể có một vài nhận xét không tích cực, thay vì chối đây đẩy, bạn hãy nhận nó về mình. Điều này có thể khiến họ chuyển từ phản hồi bất lợi sang nhận xét rằng bạn rất chịu khó tiếp thu.
Hậu tạ xứng đáng
Hãy nhớ rằng việc nói chuyện với nhà tuyển dụng tương lai của bạn có thể tiêu tốn một khoảng thời gian kha khá trong ngày làm việc của những người được bạn chọn mặt gửi vàng để cho ý kiến, vì vậy hãy hậu tạ xứng đáng công sức mà họ bỏ ra. Việc này có thể được thực hiện rất đơn giản như gửi thư hay email cám ơn, mời họ đi uống một cốc cafe hay đi ăn tối chẳng hạn.
Giữ liên lạc
Nếu bạn là ứng viên xuất sắc nhất được chọn, đừng quên gọi điện hay email cho người đã giúp bạn, cho họ địa chỉ liên lạc mới và cố gắng duy trì mối quan hệ về sau.
Lan Trinh
Theo Forbes