1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Kon Tum:

Đầu năm, người dân Xơ Đăng băng rừng cõng nước tưới sâm Ngọc Linh

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Vài năm trở lại đây, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum liên tục xảy ra tình trạng khô hạn. Nhằm giúp cây sâm Ngọc Linh sống sót qua mùa hạn, người dân thay phiên nhau lên rừng cõng nước tưới sâm.

Huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum được xem là thủ phủ sâm Ngọc Linh. Ngoài sâm tự nhiên, nhiều năm nay, bà con đồng bào Xơ Đăng băng rừng, vượt núi, đưa giống sâm Ngọc Linh lên trồng ở độ cao từ 1.500m đến 2.000m.

Đến nay tổng diện tích trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện là hơn 1.200ha, trong đó người dân trồng gần 34ha.

Kon-Tum_tuoi-cho-cay-sam-Ngoc-Linh_Chi-Anh.jpeg

Người dân Xơ Đăng gánh nước lên đỉnh núi để tưới cho cây sâm Ngọc Linh (Ảnh: Chí Anh).

Việc phát triển sâm Ngọc Linh đã giúp đời sống người dân vùng cao "thay da đổi thịt". Diện tích sâm của bà con trồng chủ yếu tập trung ở các xã: Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây, Đăk Na, Đăk Hà… Sâm Ngọc Linh có giá trị cao nhưng yêu cầu quy trình trồng khắt khe về khí hậu, độ cao, thời gian chăm sóc kéo dài hàng năm trời.

Vài năm trở lại đây do biến đổi khí hậu khiến cho cây sâm Ngọc Linh bị ảnh hưởng nhiều. Năm 2023, người dân huyện Tu Mơ Rông gánh chịu thiệt hại nặng khi hàng loạt cây sâm Ngọc Linh mới trồng bị chết do sương muối. Đầu năm nay, khí hậu khô hạn kéo dài khiến cây sâm Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông chậm phát triển vì thiếu độ ẩm.

Kon-Tum_tuoi-cho-cay-sam-Ngoc-Linh_Chi-Anh.jpeg

Cây sâm Ngọc Linh nằm ở trên đỉnh núi nên việc vận chuyển nước gặp nhiều khó khăn, vất vả (Ảnh: Chí Anh).

Theo ông A Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Na, trước đây những cánh rừng nguyên sinh đã điều hòa nhiệt độ, độ ẩm, tạo ra môi trường tốt cho cây sâm Ngọc Linh tự phát triển.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thời tiết khô hạn hơn. Từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau là mùa hạn, đất khô cằn khiến cho cây sâm thiếu nước, chậm phát triển. 

Chính vì vậy, trong những ngày Tết Giáp Thìn, người dân tại xã Măng Ri và các xã lân cận tất bật gánh nước "vượt núi" để tưới cho cây sâm Ngọc Linh. Do độ cao lớn, đường dốc đứng nên người dân phải dùng xe máy thồ nước lên từng đoạn.

Kon-Tum_tuoi-cho-cay-sam-Ngoc-Linh_Chi-Anh.jpeg

Những cây sâm cần được tưới chủ yếu là sâm nhỏ mới trồng hoặc gần 2 năm tuổi (Ảnh: Chí Anh).

Thanh niên trong làng thay phiên gánh nước tưới cho những vườn sâm dưới tán rừng. Tại một số vị trí, người dân sử dụng ống nhựa để dẫn nước, lắp đặt hệ thống tưới phun sương nhằm đảm bảo cho cây sâm phát triển ổn định vào mùa khô.

Theo ông Dũng, năm nay mùa khô diễn ra khốc liệt hơn. Những khu vực gần sông suối, cây sâm cần được tưới nước mỗi tháng một lần. Riêng những khu vực có cây phân tán, đất khô cằn, cây sâm cần được tưới nhiều nước hơn, mỗi tuần tưới 1-2 lần.

Kon-Tum_tuoi-cho-cay-sam-Ngoc-Linh_Chi-Anh.jpeg

Để sâm Ngọc Linh sinh trưởng tốt, địa phương phân công cán bộ trực cùng người dân để tư vấn kỹ thuật, chăm sóc cây (Ảnh: Chí Anh).

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết: "Sâm Ngọc Linh đang giúp người dân đồng bào Xơ Đăng trên địa bàn thay đổi nếp nghĩ, cách làm và vươn lên thoát nghèo. Nhiều năm trở lại đây, khí hậu thay đổi khiến cho cây sâm Ngọc Linh đang trong giai đoạn phát triển bị chết.

"Nhằm giúp bà con trồng sâm đạt hiệu quả cao, tránh bị chết do thiếu nước mùa khô, huyện đã cử cán bộ hướng dẫn người dân cách tưới phù hợp và làm mái che nắng. Định kỳ, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện sẽ đi kiểm tra vườn sâm của bà con để có phương án tư vấn cho bà con cách phòng bệnh cho cây sâm", ông Mạnh thông tin thêm.