1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Dấu ấn làng nghề lưu giữ thời gian

Cuối tháng 5 vừa qua, người dân làng Lai Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội tổ chức lễ kỉ niệm 130 năm ông tổ nghề nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh (Khánh Ký).

Dấu ấn làng nghề lưu giữ thời gian - 1
Cụ Nguyễn Đình Khánh và đông đảo thợ ảnh Lai Xá

Nguồn gốc xa xưa

Lai Xá là làng nghề truyền thống nhiếp ảnh vì nơi đây có đến 80% gia đình theo nghề ảnh. Cụ Khánh Ký (1874-1946) thuở nhỏ có tên là Nguyễn Văn Xuân, quê ở xóm Dộc, làng Lai Xá, đã mang nghề ảnh về làng truyền dạy cho dân làng cách đây gần 1 thế kỷ. Từ một xã thuần nông, người dân Lai Xá mang nghề ảnh tỏa đi khắp các tỉnh thành trong cả nước, sang cả Campuchia, Lào. Do nắm được kỹ thuật từ khâu chụp hình, làm buồng tối, tráng phim, rửa ảnh, chấm sửa ảnh… những thợ ảnh Lai Xá đến vùng miền nào cũng đều mở cửa hàng, dạy nghề cho dân địa phương phát triển nghề ảnh. Vì thế, thương hiệu ảnh Lai Xá ngay từ thời Pháp thuộc đã có uy tín với khách hàng từ thành thị đến nông thôn. Nhiều người thành đạt, mở hiệu ảnh kinh doanh ở các thành phố, đô thị khi treo biển hiệu bao giờ cũng phải cho thêm cái tên "Ký" như một sự khẳng định vị thế truyền nhân của cụ Khánh Ký làng Lai Xá.

Năm 1892, Hà Nội có hiệu ảnh đầu tiên do người Việt làm chủ khai trương ở phố Hàng Da, Hà Nội. Tiếp đến tại Hải Phòng khai trương hiệu ảnh Luminor của cụ Nguyễn Văn Chành - thân phụ đạo diễn điện ảnh, Nghệ sĩ nhân dân Bạch Diệp (Nguyễn Thị Tâm). Năm 1926, hiệu ảnh An Ký của cụ Đinh Tiến Duật được mở tại thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông). Cùng năm 1926, hiệu ảnh Đinh Ký của cụ Nguyễn Văn Đinh khai trương tại thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Năm 1928, hiệu ảnh Phương Lai của cụ Hồ Văn Xã được khai trương tại số nhà 8 phố Cây Tháp, Hòn Gai (nay là thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Những năm sau, các hiệu ảnh phát triển mạnh ở nhiều tỉnh, thành miền Bắc như phố Lê Lợi (thị xã Sơn Tây) khai trương hiệu ảnh Phúc Lai năm 1930. Cùng năm đó, hiệu ảnh Hạ Long của cụ Phí Đức Môn được khai trương tại thị xã Uông Bí, Quảng Ninh. Liên tiếp những năm sau đó nhiều tỉnh, thành như Nam Định, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai đều có hiệu ảnh của người Lai Xá khai trương.

Những thợ ảnh Lai Xá không ngừng vươn lên để tự khẳng định mình. Những thợ ảnh lâu năm, có kinh nghiệm, tay nghề còn tìm ra cách pha chế thuốc ảnh hợp với thời tiết theo từng mùa khác nhau, cũng như khi gặp phải loại phim, giấy ảnh không đúng số hay quá hạn sử dụng đã khắc phục được để vẫn làm ra bức ảnh đẹp.

Dấu ấn làng nghề lưu giữ thời gian - 2
Cụ Nguyễn Đình Khánh

Hòa cùng lịch sử

Tháng 8-2010 làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá được kết nạp vào Hiệp hội Làng nghề Việt Nam. Năm 2015, thôn Lai Xá khởi công xây dựng Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá. Tháng 2-2008, làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá cùng với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức triển lãm ảnh "Từ làng đến phố" trưng bày 200 tác phẩm. Tháng 12-2012 làng nghề Lai Xá cùng với Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức triển lãm trưng bày 68 tác phẩm cùng các dụng cụ máy móc làm ảnh. Do thành tích hoạt động nhiếp ảnh, làng nghề Lai Xá đã được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tặng danh hiệu "Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam" năm 2011.

Dấu ấn làng nghề lưu giữ thời gian - 3
Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá

Trước khi mang nghề ảnh về làng, cụ Khánh Ký từng làm giúp việc cho hiệu ảnh Du Chương của người Trung Hoa ở phố Hàng Bồ, nhờ thế mà học được chút vốn liếng. Năm 1892, khi mới 18 tuổi, cụ Khánh Ký đã trở thành ông chủ hiệu ảnh người Việt đầu tiên được khai trương tại phố Hàng Da. Đây cũng là hiệu ảnh nổi tiếng khắp đất Kinh kỳ ngày đó. Cũng từ năm 1892 đến năm 1910, cụ Khánh Ký trở thành một chiến sĩ yêu nước tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường…

Dấu ấn làng nghề lưu giữ thời gian - 4
Dấu ấn làng nghề lưu giữ thời gian - 5

Hội đoàn làm nghề nhiếp ảnh của người Lai Xá ở Sài Gòn năm 1972.

Năm 1911, cụ Khánh Ký mở hiệu ảnh và hàng ăn mang tên mình tại hải cảng Toulouse (Pháp) - một khu vực sầm uất, có đông đảo thợ thuyền người Việt Nam làm trong các công xưởng Pháp. Hiệu ảnh Khánh Ký khi đó thành nơi đón tiếp và giúp đỡ kiều bào, học sinh Việt Nam sang Pháp học tập hoặc làm ăn sinh sống thời đó. Năm 1916, Hội Người An-nam yêu nước được thành lập thay thế Hội Đồng bào thân ái. Ban lãnh đạo của hội đứng đầu là các nhà yêu nước Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Lê Văn Sao, Hai Tân, Khánh Ký.... Đây là một bước quan trọng đánh dấu chặng đường thứ hai trong phong trào yêu nước của Việt kiều tại Pháp. Trong hồ sơ lưu trữ của Bộ thuộc địa Pháp đã ghi: "Khánh Ký là một thương gia chuyên về buôn máy ảnh, có cửa hiệu ở Francfort và Mayence. Thương gia này đã giúp đỡ về mặt tài chính cho Nguyễn Ái Quốc vào thời điểm đến Paris…".

Theo anninhthudo.vn