1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

'Đánh đu' mạng sống kiếm cơm bằng nghề 'xông đất Âm phủ'

Dưới độ sâu hàng chục mét, những người thợ đào giếng hì hục xúc từng xẻng đất đá cho vào sọt kéo lên. Chỉ cần một chút bất cẩn khiến đất đá rơi xuống, người thợ sẽ phải đối mặt với nguy cơ tai nạn, thậm chí tàn phế vĩnh viễn. Nguy hiểm là vậy nhưng hàng ngày, họ vẫn phải “đánh đu” mạng sống trong lòng đất. Tất cả cũng bởi một ước mơ thật đời thường…

Thợ đào giếng phải chấp nhận sinh tử với nghề
Thợ đào giếng phải chấp nhận sinh tử với nghề

Nghề của lòng can đảm

Không biết nghề đào giếng có từ lúc nào, tuy nhiên, từ lâu dân gian đã có câu “nhất thổ, nhì mộc” (thứ nhất là nghề đào giếng, thứ hai là nghề thợ mộc) để nói về sự vất vả, khổ cực của nghề này. Bởi vậy, đòi hỏi những người thợ phải có sức khỏe tốt, dẻo dai và tâm lý vững vàng.

Ngày xưa, máy móc chưa có nên các công đoạn đào giếng được thực hiện hoàn toàn bằng tay. Ngày nay, những người đào giếng chuyên nghiệp có thêm sự hỗ trợ của một số phương tiện như máy khoan đá, bình ô xi, máy tời…

Tỉnh Gia Lai đang cao điểm mùa khô, nhiều nông dân phải đào, vét giếng để có nguồn nước sinh hoạt, chống hạn cho cây trồng, nên đây là mùa làm ăn của những người làm nghề đào giếng thuê. Nghề này tuy có thu nhập khá, nhưng rất vất vả và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Khi mặt trời vừa ló dạng, không khí oi nồng chưa kịp bủa vây, chúng tôi theo chân những người đào giếng thuê ở xã Ia Kha (huyện Ia Grai) có mặt tại khu đất trống ở xã để thấy được sự vất vả của công việc được mệnh danh là nghề “xông đất âm phủ”.

Trước đó 5 ngày, nhóm của anh Đinh Túi (32 tuổi, ngụ xã Ia Kha) đã đào gần 10 nên khi nhìn, chiếc hố sâu hoắm. Chúng tôi không khỏi rùng mình khi nghĩ phải chui xuống dưới để múc từng xô đất lên một cách thủ công.

Sau khi nhai vội gói xôi, người thợ Nguyễn Văn Thành (27 tuổi) nhanh chóng bắt tay vào việc dựng trục tời ngay trên miệng hố để tải đất, đồng thời thắp một ngọn nến và đặt vào chiếc đĩa nhỏ buộc vào sợi dây thừng thả xuống giếng.

“Làm vậy để biết không khí dưới giếng có thiếu khí hay không, nếu nến cháy bình thường thì người đào mới xuống, còn nến tắt có thể bị thiếu khí, khi đó phải xục khí xuống để không bị ngạt”, anh Thành giải thích.

Sau khi anh Thành làm các công việc kiểm tra và chuẩn bị mọi thứ, một người thợ khác nhanh chóng cởi bỏ trang phục, chỉ còn lại chiếc quần cộc. Theo từng gờ móc đã được đào trước đó, từng bước từng bước anh rút dần xuống phía dưới.

Ít phút sau, bóng dáng của người thợ chỉ còn là một chấm nhỏ rồi mất hút dưới miệng giếng đen ngòm. Những xô đất nặng trĩu và độ sâu của giếng cũng ngày càng tăng lên, hòa lẫn với những giọt mồ hôi mặn đắng, cay nồng của người thợ.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Túi bảo mình là thợ đào giếng có thâm niên trên 10 năm. Tài sản khởi nghiệp của anh là dây, gàu, xà beng, thuổng, cuốc, cùng với mấy khuông đúc bi. Với sự nghiệp không lấy gì làm to tát ấy, anh vào nghề bằng những hợp đồng nhận đào giếng ở quanh làng. Bây giờ, anh có mua thêm một số phương tiện mới và không những ở huyện Ia Grai mà nhận đào giếng khắp Tây Nguyên.

“Nghề đào giếng rất cơ cực và nguy hiểm, nhưng bù lại có việc làm, thu nhập cũng khá. Một ngày đào giếng mỗi thợ kiếm được trên 500.000 đồng, gặp giếng dễ đào có khi được cả triệu đồng. Nhưng gặp giếng khó, đào không có nước hoặc gặp đá bàn phải bỏ dở, chủ chỉ trả cho phân nửa. Âu cũng sòng phẳng, người ta mất, mình cũng mất, chẳng trách cứ ai”, anh Túi cho biết.

Thường đào một giếng nước cần 3 - 4 thợ. Người trưởng nhóm là thợ cả kiêm việc cung cấp bi giếng. Giá thành bi giếng tùy thuộc vào giá xi măng, sắt thép, cát, sạn… trên thị trường, lại còn tùy thuộc vào kích cỡ bi giếng.

Như mới đây, anh Túi nhận khoán đào một giếng nước trên khu đất đồi. Dự kiến đào sâu trên 20m, bi giếng có đường kính 2m, hợp đồng thỏa thuận bao khoán cả bi, cả công 2,2 triệu đồng/m đào. Tính ra đào được cái giếng để có nước sử dụng trên vùng cao này tốn gần 50 triệu đồng. Nhóm của anh Túi đào cật lực đến mét thứ 16 thì bị đá chặn, may sao ở độ sâu này giếng cũng có được trên bi nước, không thì chủ, thợ đều khổ.

Anh Đinh Văn Can (36 tuổi, ngụ xã H’Bông, huyện Chư Sê) bảo, người đào giếng đối diện với mối nguy hiểm là ngồi một mình dưới độ sâu 10 - 15m, lỡ sợi dây bị đứt, bị sút mối, cả khối đất nặng rơi xuống thì tính mạng coi như xong. Đào giếng xuống độ sâu chừng 10m, buộc phải có biện pháp đề phòng, không khéo người ở dưới do thiếu ô xi rất dễ dẫn đến mất mạng.

'Đánh đu' mạng sống kiếm cơm bằng nghề 'xông đất Âm phủ' - 2

Thợ đào hì hục dưới giếng nước sâu hoắm

“Kinh nghiệm của thợ giếng là dùng đèn thắp sáng thả xuống đáy giếng, nếu đèn bị tắt là thiếu ô xi, trong trường hợp này phải bẻ lá cây tươi cột vào dây thả xuống, kéo lên liên tục, mục đích cho lá cây nhả khí. Che miệng giếng, dùng quạt quạt mạnh đẩy không khí xuống giếng. Nơi nào có điện, cột dây đưa quạt máy xuống”, anh Can cho biết.

Trường hợp đào giếng gặp đá phải dùng chất nổ để phá đá. Khi nổ xong, ít nhất 24 giờ sau mới được xuống giếng. Vì khi sử dụng chất nổ, lượng ô xi dưới giếng bị đốt đi, ngược lại khí lưu huỳnh tồn tại trong giếng rất cao, người thợ giếng không có kinh nghiệm nôn nóng xuống ngay rất dễ dẫn đến tử vong.

Sinh tử với nghề

Hơn 20 năm trong nghề đào giếng, anh Nguyễn Tình (42 tuổi, xã Ia O, Chư Prông) đã không ít lần chết hụt. Anh kể, người làm nghề đào giếng sợ nhất sợ nhất là nhận đào, vét những giếng nước cũ. Bởi những giếng này ngâm nước lâu nên thành đất thường nhão, khi thợ chui xuống đào, chấn động là có thể đổ sập, chôn sống thợ bất cứ lúc nào.

“Mỗi lần đặt chân xuống đáy giếng cũ, cảm nhận lớp đất ướt mềm nhũn là thợ chúng tôi lại thấy lạnh sống lưng, trong đầu xuất hiện ý nghĩ sẽ bị lớp đất phía trên đổ ập xuống đầu chết lúc nào không hay”, anh Tình cho biết.

Mùa khô này, nhóm của anh Tình đã nhiều lần phải bỏ cuộc giữa chừng vì gặp phải giếng nước cũ, cứ hễ đào được vài ba phút là có một mảng đất hai bên thành giếng rơi xuống đầu.

“Với những giếng đào sâu khoảng 30m, chỉ cần một hòn đá bằng đầu ngón tay hay cục đất rơi xuống trúng người là đau ê ẩm. Xui rủi, bị những hòn đá to cỡ nắm tay rơi trúng thì coi như toi đời. Mỗi lần chui xuống giếng sâu là như chui vào địa ngục nguy hiểm”, anh Tình tâm sự.

“Ăn cơm trần gian, làm việc âm phủ”. Đó là câu cửa miệng mà dân đào giếng thuê ở Gia Lai nói về công việc của họ. Không ngoa chút nào khi cuộc mưu sinh của họ luôn diễn ra dưới lòng đất với những mối nguy hiểm rình rập. Và không ít trường hợp đã phải bỏ mạng với nghề.

Anh Tình cho biết, cách đây hơn 4 năm, nhóm của anh có một người quê ở Hà Tĩnh vào đây theo nghề đào giếng. Vì bất cẩn khi đào, người này bị một hòn đá to bằng nắm tay rơi trúng đầu gây chấn thương khá nặng. Khi bình phục thì trí óc cũng không còn được minh mẫn, nên đành bỏ nghề về quê sống nhờ vào gia đình.

Theo lời anh Can, giữa tháng 4/2016, ông Bùi Văn Viên (ngụ phường Thắng Lợi, TP.Pleiku) cùng con trai tên Vũ đi đào giếng thuê ở gần nhà. Anh Vũ ở trên điều khiển máy tời, ông Viên xuống đáy giếng đào đất đá. Tiết trời nóng nực, đáy giếng càng ngột ngạt, thiếu khí. Anh Vũ bất ngờ nghe tiếng cha vọng lên, rồi tắt lịm. Biết có chuyện, anh vội đi tìm bạn đến giúp. Nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Thi thể ông Viên được kéo lên từ chính sợi dây cáp kéo đất.

Một cán bộ xã H’Bông cho biết, nghề đào giếng đã cướp đi nhiều sinh mạng. Khoảng 5 năm trước, hai người trong xã dùng mìn phá đá đào giếng, do chủ quan nên khi xuống đào lượng thuốc nổ vẫn còn nên bị ngạt khí đến chết. Sinh nghề tử nghiệp, hợp đồng giữa chủ và phu giếng chỉ bằng miệng, nên người nhà lặng lẽ nhận thi thể về chôn cất mà không được hỗ trợ gì.

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều thợ đào giếng nói đùa, mỗi cái giếng đào mà gặp phải sự cố sẽ hoàn trở thành cái huyệt chôn sống chính họ. Mỗi lần xuống giếng là một lần đánh cược với mạng sống, nhưng họ vẫn ngày ngày đối diện với “tử thần” vì miếng cơm manh áo.

Theo Báo Pháp Luật VN