Dân biên giới xây nhà, sắm "xế hộp" nhờ loại cây chỉ lấy vỏ

Nguyễn Tú

(Dân trí) - Nhiều năm qua, người dân huyện biên giới ở Nghệ An thoát cảnh chạy ăn từng bữa, nhiều hộ còn xây nhà mới, sắm xe đi lại nhờ loại cây chỉ lấy vỏ.

Vốn gắn bó với người dân khu vực miền núi Nghệ An từ năm 1990, hành trình để cây quế trở thành loại nông sản hàng hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống như ngày nay ngót nghét đã 30 năm. 

Dân biên giới xây nhà, sắm xế hộp nhờ loại cây chỉ lấy vỏ - 1

Hiện nay, quế trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân miền núi Nghệ An (Ảnh: CTV).

Trước đây, nhiều ngọn đồi trọc, được coi là "vùng đất chết" tại một số địa phương huyện Quế Phong không được tận dụng. Từ chủ trương của chính quyền, nhiều hộ dân đã bắt đầu phủ xanh bằng cây quế, giúp khu vực này dần hồi sinh.

Thời gian đầu, quế được người dân xã Hạnh Dịch, huyện miền núi Quế Phong trồng để lấy vỏ làm gia vị chế biến thức ăn trong gia đình. Khoảng 10 -15 năm trở lại đây, sau khi có đề án phát triển cây quế tại các huyện miền núi Nghệ An nên được mở rộng diện tích và trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế.

Việc chăm sóc quế khá đơn giản, chỉ cần bón phân lần đầu để cây phát triển nhanh, hàng năm dọn cỏ 2 - 3 lần... Khi cây lớn, không chỉ vỏ mà cành quế nhỏ tỉa ra cũng bán được. Vỏ quế không chỉ dễ bảo quản mà tiêu thụ cũng rất dễ dàng. Đặc biệt, hiện nay thương lái mua quế ngay tại thôn, bản, chỉ cần có nguồn là bán được ngay không phải chờ đợi như trước đây nữa.

Dân biên giới xây nhà, sắm xế hộp nhờ loại cây chỉ lấy vỏ - 2

Quế là cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng sâu vùng xa (Ảnh: CTV).

Ông Lương Xuân Báo (trú ở bản Long Tiến, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong) cho biết, trong những năm gần đây, cây quế đã mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ việc tiêu thụ thuận lợi. Năm nay, gia đình ông thu nhập được hơn 100 triệu đồng từ vỏ quế, so với những năm trước đời sống đã được cải thiện hơn nhiều.

Khá hơn gia đình ông Báo, gia đình ông Hà Văn Hùng ở bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch, huyện Quế phong cũng bỏ túi 150 triệu đồng từ việc bán 2,5 tấn vỏ quế.

Dân biên giới xây nhà, sắm xế hộp nhờ loại cây chỉ lấy vỏ - 3

Với mức giá trung bình 60.000 đồng/kg, người dân "sống khỏe" nhờ loại cây lấy vỏ này (Ảnh: CTV).

"So với các loại cây khác thì quế có thời gian trồng lâu năm hơn. Tuy nhiên việc chăm sóc lại dễ dàng, không tốn nhiều công sức và chi phí. Nhờ việc trồng quế, kinh tế gia đình tôi đã khấm khá so hơn trước", ông Hùng phấn khởi cho biết.

Huyện Quế Phong được xem là "thủ phủ" trồng quế ở tỉnh Nghệ An. Ngày trước, quế tự nhiên mọc đặc trong rừng người dân chỉ khai thác để về làm gia vị là chủ yếu. Sau khi thương lái khắp nơi tìm về mua nhiều, người dân đã mang cây quế con về ươm trồng trong vườn, trên rẫy. Nhờ phù hợp với khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng, cây quế phát triển nhanh, chi phí đầu tư thấp, tốn ít công chăm sóc. Sau 5 - 10 năm, quế có thể cho thu hoạch.

Dân biên giới xây nhà, sắm xế hộp nhờ loại cây chỉ lấy vỏ - 4

Việc chăm sóc quế khá đơn giản, chỉ cần bón phân lần đầu để cây phát triển nhanh, hàng năm dọn cỏ 2 - 3 lần và đặc biệt là thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh trên cây để xử lý kịp thời (Ảnh: CTV).

Bà Lữ Thị Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết, hiện nay toàn xã có gần 100 ha trồng quế, cho sản lượng khai thác khoảng 50 tấn. Với mức giá trung bình 60.000 đồng/kg, quế mang lại khoảng 3 tỷ đồng cho người dân địa phương.

Không chỉ ở xã Hạnh Dịch, quế còn được trồng, nhân rộng ở nhiều xã như: Thông Thụ, Đồng Văn, Châu Kim, Mường Nọc… huyện Quế Phong. Giống cây này đã trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế của hàng trăm hộ dân. Tùy theo diện tích và số lượng cây trồng, bình quân mỗi hộ dân thu nhập từ 50- 200 triệu đồng/mỗi lần thu hoạch.

Dân biên giới xây nhà, sắm xế hộp nhờ loại cây chỉ lấy vỏ - 5

Nhờ phù hợp với khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng, cây quế phát triển nhanh, chi phí đầu tư thấp, tốn ít công chăm sóc (Ảnh: CTV).

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Trọng Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quế Phong cho biết, toàn huyện có khoảng 500 ha quế, tập trung chủ yếu ở các xã Hạnh Dịch, Thông Thụ, Tiền Phong, Mường Nọc… .

"Quế là cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Nhờ định hướng đúng và chủ động của chính quyền cũng như sự tích cực người dân, diện tích cây quế trên địa bàn được nâng lên hàng năm", ông Dũng cho biết thêm.