1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tấm bằng đại học trôi về đâu?

Cung - cầu “đường ai nấy đi”

Bài toán cung - cầu sau mỗi đợt tốt nghiệp tại các trường ĐH,CĐ lại khiến nhiều tân cử nhân vỡ mộng. Sau khi ra trường họ lại tất bật đi “rải” hồ sơ xin việc khắp nơi để tìm kiếm việc làm.

Tuy nhiên, nhiều tân cử nhân này đành phải xin làm công nhân, biến mình thành lao động phổ thông chỉ vì doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng các “ông - bà cử”.

 

Học một đường, làm một nẻo...

 

Quốc Toàn - quê Bến Tre - sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí, ĐH Kỹ thuật công nghệ TPHCM, rải hồ sơ khắp nơi nhưng không chỗ nào chịu nhận. 3 tháng sau khi ra trường, Toàn vẫn nhận “viện trợ” từ gia đình như thời còn đi học. Toàn vẫn chưa tìm thấy công việc nào phù hợp với ngành học của mình dù trong hồ sơ xin việc của Toàn có khá đầy đủ các loại bằng cấp, chứng chỉ: Tốt nghiệp ĐH loại khá, với điểm tích lũy 7.86, chứng chỉ Anh văn, tin học... “Em sẽ ứng tuyển thợ lắp biển quảng cáo, lương 4 triệu tháng. Trước mắt cứ vậy, biết đâu mình có trình độ, chăm chỉ, cơ hội thăng tiến sẽ tới” - Toàn bộc bạch.

 

Vỡ mộng! Chị Nguyễn Hồng Lạc - cử nhân ngành lịch sử, ĐH KHXH&NV TPHCM - sau khi làm thời vụ ở một bảo tàng với lương 800.000 đồng/tháng, sau 3 tháng chị xin nghỉ việc. Chị Lạc học thêm lớp nghiệp vụ sư phạm với hy vọng về quê tìm được một chỗ dạy. Về quê đợi mỏi mòn gần 1 năm, rải hồ sơ khắp các trường từ cấp 2 đến cấp 3 của tỉnh nhưng vẫn không được, chị lại quay vào TPHCM xin đi làm CN. Lương cơ bản, tăng ca, phụ cấp nhà trọ, ăn uống tính tổng lại cũng được 5 triệu/tháng.

 

Tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm giới thiệu việc làm TPHCM, Trung tâm giới thiệu việc làm khu vực miền Nam tại Đồng Nai tổ chức vừa qua, nhiều Cty chỉ tuyển những vị trí mà yêu cầu chỉ tốt nghiệp 12 nhưng có khá nhiều hồ sơ ĐH, CĐ xin ứng tuyển. Cty TNHH MTV Sophie Paris VN tuyển nhân viên kinh doanh, không yêu cầu về trình độ, trong số 65 hồ sơ ứng tuyển có tới 38 ứng viên tốt nghiệp ĐH, CĐ. Tại sàn giới thiệu việc làm tỉnh Đồng Nai, hơn 1.124 cơ hội việc làm được đưa ra thì nhà tuyển dụng chỉ cần 90 người (chiếm 8%) có trình độ cao đẳng - đại học, còn nhu cầu tuyển lao động phổ thông lên tới hơn 70%.

 

Ông Huỳnh Ngọc Long - GĐ Trung tâm giới thiệu việc làm khu vực miền Nam - cho biết: Tại sàn giao dịch việc làm 57 vừa qua cũng cho thấy hạn chế, số người tìm việc làm tại sàn chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển chọn của doanh nghiệp. Riêng 2 ngành kỹ thuật và kinh tế có sự mất cân đối giữa cung cầu.

 

Doanh nghiệp “chuộng” lao động phổ thông

 

Tại tỉnh Đồng Nai, các DN đang “khát” lao động phổ thông và công nhân kỹ thuật. Nhưng nhu cầu về lao động trình độ đại học lại rất ít, thậm chí các DN nước ngoài nếu cần lao động chuyên môn cao thì sử dụng người bản xứ để không tốn công đào tạo.

 

Cung - cầu “đường ai nấy đi”
Chỉ 20% nhu cầu tuyển dụng của các công ty hướng đến các kỹ sư, cử nhân (ảnh minh họa). Ảnh: Lê Tuyết

 

Theo Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai, nhu cầu tuyển dụng lao động trong quý I/2013 của các doanh nghiệp tại Đồng Nai khoảng 20.000 lao động, nhưng chỉ tuyển dụng 800 người có trình độ đại học, 62 người có trình độ trung cấp - cao đẳng. Chủ yếu các DN tuyển dụng lao động phổ thông (1.000 người), lao động cho các doanh nghiệp tự đào tạo (6.000 người) và trình độ sơ cấp (6.000 người).

 

Trong khi đó, tại TPHCM, theo ông Nguyễn Cao Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm TPHCM - thì từ đầu năm đến nay, nhu cầu tuyển dụng của DN chỉ hướng về đối tượng là lao động phổ thông. Cụ thể, so với tổng nhu cầu tuyển dụng thì nhu cầu tuyển lao động phổ thông chiếm 57,7%, nhu cầu tuyển trung cấp và sơ cấp chiếm 22,3 %, còn lại nhu cầu tuyển dụng các công việc cần trình độ ĐH, CĐ chỉ chiếm 20%.

 

Ông Lâm Duy Tín - PGĐ Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai - cho biết: Do các doanh nghiệp tuyển dụng lao động chủ yếu là các doanh nghiệp may mặc, giày da và điện tử nên chỉ cần lao động phổ thông là chủ yếu. Các DN tại Đồng Nai tuyển người lao động có chuyên môn cao vào các bộ phận như: Kỹ sư, quản lý phân xưởng... thì yêu cầu phải có từ 2 - 3 năm kinh nghiệm để có thể vào làm việc ngay tại Cty và có thể nhận mức lương cao gấp 3 lần lao động phổ thông. Bởi vậy, những cử nhân mới ra trường phải chấp nhận tìm kiếm những công việc khác để tích lũy kinh nghiệm.

 

Đối với các DN Nhật Bản, thay vì phải tuyển dụng, đưa người lao động sang Nhật để đào tạo thì các DN này lại có xu hướng đưa người bản xứ qua làm việc, nên cơ hội cho người lao động tại Đồng Nai làm việc tại các DN Nhật Bản là rất ít. Việc các cử nhân làm công nhân cũng là giải pháp tạm thời để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống, tích lũy kinh nghiệm.

 

“Cty tuyển thợ mà chỉ có cả ứng viên là kỹ sư thì công ty sẽ ưu tiên cho thợ có tay nghề. Mặc dù ưu điểm của những ứng viên có trình độ ĐH, CĐ là có kiến thức căn bản tốt, đặc biệt những ngành nghề kỹ thuật tuy nhiên họ thích hợp làm ở cấp quản lý. Điều đặc biệt khiến các nhà tuyển dụng ngại tuyển kỹ sư vào làm thợ vì họ biết các kỹ sư đó chỉ xem đây là công việc tạm thời, nếu có cơ hội những kỹ sư, cử nhân sẽ nhảy việc ngay, công ty lại tốn công tuyển dụng, đào tạo lại” - Chị Nguyễn Mỹ Trinh phân tích.

 

Tại các KCN trong tỉnh Đồng Nai, những ngành nghề về kỹ thuật đang rất thu hút các đơn vị tuyển dụng và khi ra trường có thể làm việc ngay. Thậm chí, còn nhận các sinh viên giỏi về Cty từ khi các em còn trên ghế nhà trường như tại Cty Sonadezi. Các DN đang có xu hướng tìm kiếm người lao động có trình độ cao hơn trước, chỉ tuyển lao động có trình độ văn hóa từ cấp 2 - cấp 3 trở lên.

 

 

 Bộ GDĐT thu thập số liệu về việc làm của sinh viên tốt nghiệp

 

Ngày 13.3, Bộ GDĐT cho biết bộ yêu cầu các trường ĐH, CĐ, TCCN và đề nghị các địa phương báo cáo thống kê số lượng HSSV tốt nghiệp tình hình tuyển dụng và nhu cầu tuyển dụng nhân lực. Cụ thể, các trường phải thống kê số lượng HSSV hệ chính quy đã tốt nghiệp từ năm 2008 đến 2012 và dự kiến tốt nghiệp trong 5 năm tiếp theo. Báo cáo về tình hình HSSV tốt nghiệp có việc làm, các giải pháp của nhà trường đã triển khai để hỗ trợ HSSV và phương hướng hỗ trợ HSSV tìm kiếm việc làm; đề xuất giải pháp, kiến nghị với các cơ quan quản lý về cơ chế chính sách để giải quyết việc làm cho HSSV tốt nghiệp.

 

Bộ cũng đề nghị các địa phương thống kê số lượng nhân lực có trình độ từ trung cấp đến đại học tuyển mới từ năm 2008 đến năm 2012 và dự kiến tuyển dụng trong 5 năm tiếp theo, báo cáo thực trạng cung - cầu nhân lực đã qua đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, các cơ chế chính sách trong việc giải quyết việc làm cho người lao động

 

Đối với tình hình tuyển dụng và nhu cầu tuyển dụng giáo viên, các Sở GDĐT phải báo cáo về thực trạng thừa, thiếu giáo viên của địa phương; cơ chế, chính sách của địa phương và đề xuất với các bộ, ngành, cơ sở đào tạo trong việc đào tạo và sử dụng đội ngũ giáo viên.

 

Những thông tin trên gửi Bộ GDĐT trước ngày 20.3 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

H.NG

 

Theo Hà Anh Chiến - Lê Tuyết

Lao động