TPHCM:
Cụ bà 84 tuổi dành nửa thế kỷ bán cháo đậu đỏ mưu sinh
(Dân trí) - Hơn 50 năm trước, bà Để (TPHCM) đã bán cháo đậu để nuôi con. Nay đã còng lưng, bà vẫn gắn bó với nghề dù xã hội có nhiều đổi thay. Mỗi tô cháo dù chỉ 5.000 đồng nhưng đã nuôi cả 3 thế hệ gia đình bà.
Những tô cháo..."biết kể chuyện"
Hình ảnh cụ bà còng lưng mặc chiếc áo bà ba, đầu quấn khăn rằn ngồi bán cháo trước số nhà 90 đường Bình Tiên (phường 3, quận 6, TPHCM) đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây.
Nhiều người thân thương gọi bà là "bà Bảy cháo đậu". Bà có tên thật là Phùng Thị Để (84 tuổi, ngụ quận 6, TPHCM).
Tờ mờ sáng mỗi ngày, tầm 1h30 bà Để đã thức dậy nấu cháo và chuẩn bị những món ăn kèm. 4h sáng, bà cặm cụi dọn hàng để chuẩn bị đón khách.
Gánh hàng của bà chỉ đơn giản gồm một nồi cháo đậu nấu sẵn cùng với nồi nước cốt dừa béo ngậy và các món ăn kèm như muối mè, đồ chua.
Trước khi bén duyên với gánh cháo đậu, bà Để từng theo các chị trong nhà bán trái cây. Một lần tình cờ, bà dẫn các con đi ăn món cháo đậu đỏ thấy ngon mà nhìn cũng đơn giản. Bà đã quyết tâm học hỏi công thức về làm theo.
Thấm thoắt, bà gắn bó với nghề này cũng hơn 50 năm.
“Nấu món này thì đơngiản, mình nấu đậu thật mềm rồi cho gạo đã vo sạch vô. Tùy theo ý thích của mình mà canh lượng đậu với gạo sao cho phù hợp để nồi cháo không bị đặc hay lỏng quá là được. Lúc đầu thì cũng nhiều khó khăn, nhưng do thời gian bà buôn bán lâu nên nhận được nhiều góp ý để điều chỉnh phù hợp với người ăn", bà Để nói.
Khác biệt với những tiệm cháo khác, gánh cháo của bà Để không có giá. Khách muốn ăn bao nhiêu bà bán bấy nhiêu. Khách ăn 5.000 đồng, 7.000 đồng, 10.000 đồng tùy vào khẩu phần của mỗi người.
Tùy vào mỗi loại giá khác nhau thì bà Để có cách tinh chỉnh lượng cháo phù hợp. Khách ăn 10.000 đồng thì đầy tô, 7.000 đồng thì vơi, 5.000 đồng thì nửa tô.
Dù loại giá nào thì tô cháo cũng có muối vừng, nước cốt dừa và các món ăn đi kèm như dưa nắm, củ cải muối…
Khách hàng của bà thì đa dạng mọi lứa tuổi từ trẻ con, thanh niên đến cả những người đã có hai màu tóc. Bà cho biết có gia đình là khách của bà đã 2, 3 thế hệ.
Một ngày bà chỉ bán một nồi cháo đầy gồm 4 kg đậu đỏ và 5 kg gạo. Trung bình mỗi ngày, bà bán từ 150 - 200 tô cháo. Trừ các chi phí ban đầu, bà thu về từ 300.000 - 500.000 đồng.
"Không bán cháo thì lấy đâu ra tiền mà đi chợ"
Tâm sự với PV, bà Để cho biết có 6 người con. Cả 6 người con đều đã có gia đình riêng nhưng cuộc sống cũng không dư giả. Bà dù già nhưng vẫn cố gắng mưu sinh để phụ giúp các con nuôi cháu và chắt.
“Con nó làm không đủ sống thì làm sao nuôi mình được. Sống ở Sài Gòn không làm thì sao đủ ăn. Mình cũng già, sức yếu rồi nhưng phải cố gắng thôi. Do mình quen việc rồi nên cũng không vất vả lắm”, bà Để chia sẻ.
Số tiền bán được từ gánh cháo, bà Để dành một phần phụ giúp các con, một phần còn lại bà lo sinh hoạt cho mình. Thỉnh thoảng, bà cũng dư giả một chút để bỏ tiết kiệm phòng khi đau ốm.
Tuy vậy, chỉ khi thực sự bệnh nặng bà mới nghỉ bán, nếu chỉ cảm sốt thông thường bà vẫn cố gắng mưu sinh.
“Mệt cũng phải bán, chứ con nó đâu có tiền nuôi mình. Giờ làm được tới đâu hay tới nấy. Đủ tiền chợ búa thôi, chứ cũng không dư giả nhiều”, bà Bảy cháo đậu chia sẻ.
Bà Để còn tâm sự: “Bà bán ở đây lâu lắm rồi nên thành ra giờ cũng thành thói quen. Cứ sáng sớm là dậy nấu cháo nên không cảm thấy mệt, giờ làm được đến đâu thì bà mừng tới đó. Bà không thể bỏ gánh cháo này được vì nếu nghỉ bán thì sẽ có nhiều người nhớ món cháo này lắm. Nên bà sẽ cố gắng bán đến khi nào không còn đủ sức bán nữa thì thôi”.
Chia tay bà Để, chúng tôi nhận thấy bà còn khá khỏe mạnh và minh mẫn. Dù đối với nhiều người thì bà khá vất vả nhưng ánh mắt bà vẫn ánh lên vẻ hạnh phúc.
Với bà, có lẽ được làm việc, được phụ giúp con cháu vẫn là niềm vui, niềm tự hào lớn nhất.
Và bà chỉ cần như vậy...
Một số hình ảnh về công việc hàng ngày của bà Phùng Thị Để: