Covid-19: Tư duy lại phương cách lao động

Lịch sử cho thấy, sự phát triển của khoa học công nghệ chưa bao giờ dồn con người vào tình thế khó khăn...

Thất nghiệp là dấu hiệu đầu tiên của mọi cuộc suy thoái. Cố nhiên, đại dịch lần này như cơn lũ nhấn chìm tất cả, trong đó các quan hệ ràng buộc kinh tế, các cam kết đầu tư, lao động tầm quốc tế cũng không giải quyết được vấn đề này. 

Dịch bệnh tại Việt Nam chưa phải khủng khiếp như nhiều nơi, nhưng tác động cộng hưởng liên hoàn từ bên ngoài đã gây sức ép lên thị trường lao động trong nước.

Trong tháng 2, có 10% doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, con số này tiếp tục tăng thêm 5% khi bước qua tháng 3. Theo báo cáo mới công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, khoảng 880 nghìn đến 1,3 triệu lao động bị giảm giờ làm, thậm chí mất việc.

Đáng chú ý, tình trạng này tập trung vào ngành dệt may - nơi có 2,8 triệu lao động, tạo ra 40 tỷ USD, thặng dư thương mại khoảng 20 tỷ USD năm 2019 - chẳng khác nào “con gà đẻ trứng vàng” của nền kinh tế.

Covid-19: Tư duy lại phương cách lao động - 1

Robot làm nhiệm vụ khử trùng trong bệnh viện tại Trung Quốc

Năm 2011, khi khái niệm “cách mạng 4.0” lần đầu được nhắc đến tại Hội chợ công nghệ Hanover (Đức), giới khoa học gia đã dự báo robot sẽ cạnh tranh trực tiếp với con người để “giành giật” việc làm!

ILO -Tổ chức Lao động Quốc tế cũng dự báo, máy móc công nghệ của công nghiệp 4.0 có thể thay thế 86% lao động dệt may của Việt Nam trong vài thập kỷ tới.

Nhưng không nhiều người thật sự quan tâm tới các nhận định trên, không những là ngành dệt may, mà rất nhiều lĩnh vực vẫn rất chậm chạp trong việc “số hóa” và “chuyển đổi số”.

Vậy nên, chỉ cần một vài tác động ban đầu của dịch bệnh Covid-19 đang thách thức chúng ta rất nhiều thứ: Tiếp tục sản xuất tập trung hay phân tán? Vẫn sử dụng công nghệ của thế kỷ trước hay chấp nhận chững lại để “thay máu” công nghệ? Là con người xếp hàng trong nhà máy hay giao nhiệm vụ cho robot?...

Tự động hóa vốn không phải là điều gì đó quá mới mẻ, thậm chí nó là nấc thang tiến lên đương nhiên của nhân loại. Nhưng bởi nhiều lý do về trình độ công nghệ, tính nhân văn mà nhiều quốc gia vẫn còn e ngại.

Nhà máy sản xuất rượu bia ở Quảng Châu đã sử dụng hoàn toàn robot thay thế công nhân lao động đầu tiên ở Trung Quốc. Với công nghệ tiên tiến này đã giúp tiết kiệm 1.000 công nhân trong các dây chuyền lắp ráp.

Vậy, con người sẽ làm gì nếu robot thay thế hầu hết các công việc của mình? Đừng lo! Vì đây không phải là sự tiến lên cục bộ mà là toàn diện. Khi năng suất lao động cao hơn, sản phẩm làm ra nhiều hơn, thặng dư thương mại nhiều hơn, các chính phủ cũng sẽ tính toán lại chương trình an sinh xã hội, như nhiều nước phương Tây đã áp dụng.

Thế kỷ 18, khi đại công trường thủ công phát triển rực rỡ, lao động trực tiếp là thói quen. Nhưng khi công nghệ thông tin ra đời, dây chuyền tự động được phát minh, nỗi lo thất nghiệp cũng như bây giờ.

Nhưng cuối cùng, nhờ lao động sản xuất bằng phương thức mới đã giúp thế giới tiến lên một bước rất dài. Đồng thời, phương thức sản xuất mới sẽ sinh ra nhiều công việc mới mà phương thức tác nghiệp hoàn toàn khác trước.

Ví dụ, thời đại công nghệ thông tin làm xuất hiện nghề lập trình viên, kỹ sư tin học, phần mềm, quản trị, an ninh mạng, hoặc dễ thấy hơn là sự xuất hiện của hàng loạt doanh nghiệp công nghệ.

Phương thức quản lý nhà nước cũng đổi thay, ví như chính phủ điện tử, thành phố thông minh...tất cả những điều đó cho thấy con người chưa bao giờ bị máy móc, công nghệ lấy đi cơ hội, mà ngược lại.

Không có sự tiến bộ nào xóa đi đặc tính của lao động mà lao động chỉ chuyển từ phương thức này sang phương thức khác trong tiến trình phát triển của loài người.

Khi quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất thay đổi thì phương thức sản xuất cũng bị thay thế. Đó là quy luật!

Theo Trương Khắc Trà/Diễn đàn Doanh nghiệp