Covid-19 “kéo” thu nhập lao động Việt Nam xuống thấp nhất trong 5 năm qua

(Dân trí) - Thu nhập bình quân của lao động trong quý 2/2020 đạt 5,2 triệu đồng/tháng, giảm 525.000 đồng so với quý trước và giảm 279.000 đồng so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức giảm thấp nhất trong 5 năm qua.

Covid-19 “kéo” thu nhập lao động Việt Nam xuống thấp nhất trong 5 năm qua - 1

Lao động tự do tại Hà Nội gặp khó do Covid-19 đang nhận tiền hỗ trợ từ Gói an sinh 62.000 tỷ đồng của Chính phủ.

Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố sáng nay (10/7) cho thấy phần nào bức tranh về lao động việc làm, tiền lương trong bối cách tác động nặng nề của dịch Covid-19.

Thu nhập ngành dịch vụ giảm sâu nhất

So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của lao động quý 2/2020 khu vực dịch vụ giảm 7,3%, giảm mạnh nhất trong 3 khu vực kinh tế, cụ thể: khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,1%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 2,8%.

Trong số 21 ngành kinh tế, các ngành có thu nhập bình quân tháng của lao động quý 2/2020 giảm mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước là ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí (giảm 19,2%).

Hơn 30 triệu lao động bị ảnh hưởng

Theo Tổng cục Thống kê nghề nghiệp, tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, gồm: Những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…

Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 18,3%), ngành vận tải kho bãi (giảm 12,8%), ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (giảm 9,1%).

Thu nhập bình quân tháng của lao động phi chính thức trong quý II năm 2020 là 5,1 triệu đồng, thấp hơn 1,6 lần mức thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, thu nhập bình quân tháng của lao động phi chính thức có mức giảm nhiều hơn so với lao động chính thức, tương ứng giảm 8,4% và 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Lao động nữ chịu ảnh hưởng nặng nề

Theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục, lao động nữ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lao động nam trong bối cảnh dịch Covid-19.

Trong quý 2/2020, lực lượng lao động nữ trong độ tuổi giảm 4,9% so với quý trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lao động nam chỉ giảm 3,9% so với quý trước và giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với nhóm ngoài độ tuổi lao động, trong khi lực lượng lao động nữ ghi nhận mức giảm lần lượt là 1,8% so với quý trước và 4,9% so với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động nam ngoài độ tuổi thậm chí tăng nhẹ với mức 0,8% so với quý trước và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Một trong các nguyên nhân bởi tỷ lệ lao động nữ làm công việc phi chính thức ở một số ngành dịch vụ khá cao, như: Hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình với tỷ lệ 97,7%, giáo dục và đào tạo: 79,5%, dịch vụ lưu trú và ăn uống: 69 %.

Đây là nhóm dễ bị ảnh hưởng hơn so với nam giới khi thị trường lao động chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc về thay đổi chính sách hoặc thiên tai, dịch bệnh.

Lao động trình độ sơ cấp gặp khó trong “cú sốc” kinh tế

Theo Tổng cục thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp trở lên giảm so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi quý II năm 2020 của nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp (sơ cấp) hoặc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật đều tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.

Điều này cho thấy khi nền kinh tế gặp cú sốc, lao động có trình độ thấp hoặc không có trình độ gặp nhiều khó khăn hơn về cơ hội việc làm so với lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc trung và bậc cao.

 Hoàng Mạnh