Công ty liên tục mất tai nghe, dây sạc, ngỡ ngàng... hoa khôi công sở
(Dân trí) - Trong thời gian dài, công ty kinh doanh đồ công nghệ liên tục bị mất trộm, từ dây sạc đến tai nghe. Vài "nghi phạm" được đưa vào danh sách nhưng không ai ngờ, đó chính là hoa khôi của công ty.
Hoa khôi bị "bắt tại trận", quản lý vẫn bênh chằm chặp
Anh Trần Văn Hùng, quản lý cửa hàng một công ty phân phối điện thoại, thiết bị điện tử ở quận 1, TPHCM cho biết công ty anh vừa xử lý vụ trộm cắp công sở gây sửng sốt.
Việc nhân viên trộm cắp tài sản, theo anh Hùng, không phải lần đầu xảy ra, trước đây đã có vài trường hợp bị xử lý. Tuy nhiên, sự việc lần này gây choáng cho mọi người vì quá bất ngờ.
Anh Hùng cho hay, nửa năm trước, Nh. - 26 tuổi, từng giành giải hoa khôi trong một cuộc thi nét đẹp công sở - được điều chuyển ra "thực chiến" tại cửa hàng với vị trí trưởng nhóm bán hàng.
Với lợi thế ngoại hình, thêm việc khéo ăn khéo nói, sành sỏi về thời trang, xu hướng công nghệ, Nh. sớm ghi điểm trong việc thúc đẩy doanh thu. Cũng chính Nh. là người nhiệt tình trong việc báo cáo vấn đề cửa hàng bị hao hụt hàng hóa giữa nhập vào, xuất ra.
Cửa hàng liên tục bị mất đồ, từ ốp lưng, dây sạc, sạc dự phòng giá vài trăm nghìn cho đến sản phẩm tiền triệu như tai nghe bluetooth, đồng hồ thông minh, thậm chí cả điện thoại.
Anh Hùng đưa vào danh sách một vài nghi phạm nhưng không tìm ra bằng chứng. Việc trích xuất camera nhắm vào những người này không ghi nhận được hình ảnh nào rõ ràng.
Giữa tháng 11 vừa rồi, cửa hàng nháo nhào khi một nữ nhân viên trực tiếp bắt quả tang Nh. hoa khôi đang nhét cặp tai nghe bluetooth có giá hơn 5 triệu đồng vào túi xách trong nhà vệ sinh. Khi hai bên đôi co, chính anh Hùng còn đứng ra nằng nặc bảo vệ "nàng hậu".
Chỉ đến khi tập hợp được đủ hình ảnh, bằng chứng cho thấy Nh. nhiều lần "thó" đồ tại cửa hàng, anh Hùng mới ngã ngửa. Phương thức của Nh. là khi giới thiệu cho khách, cô thường đưa một lúc hai sản phẩm. Sau khi để hàng lại chỗ cũ, cô sẽ cầm sản phẩm còn lại, tìm góc khuất cho vào túi.
"Nh. khóc lóc, van xin nên chúng tôi dừng lại ở mức xử lý nội bộ. Cô gái đền bù một số thiệt hại và bị sa thải", anh Hùng cho hay.
Trộm từ trong nhà, không dễ đối phó
Trên thực tế, không ít vụ mất cắp đồ đạc, tài sản ở doanh nghiệp mà thủ phạm chính là nhân viên công sở với vẻ ngoài chính đại, long lanh, không ai ngờ đến.
Mới đây nhất, tại Trà Vinh, cơ quan công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố, bắt tạm giam đối với bị can đối Châu Thị Thúy Kiều, 31 tuổi.
Kiều là nhân viên tại một tiệm vàng. Chỉ trong một năm làm việc, lợi dụng chủ sơ hở trong khâu kiểm kê tài sản, nữ nhân viên này đã trộm hơn 160 lượng vàng các loại với tổng trị giá trên 7,7 tỷ đồng.
Trước đó, tại Bình Phước, tiệm vàng Kim Hương 1 ở Đồng Xoài cũng bị nữ nhân viên L.T.N. ngày qua ngày rả rích "bỏ túi" hơn 2.300 nhẫn vàng, tổng cộng lên tới gần 260 lượng vàng.
Tại TPHCM cũng ghi nhận sự việc, nam nhân viên thử việc N.N.A.Đ. nhiều lần ôm máy tính xách tay của công ty... ra hiệu cầm đồ. Theo thông tin sự việc, sau lần đầu trót lọt, nam nhân viên này thấy việc lấy cắp tài sản ở công ty quá dễ dàng nên "ăn quen bén mùi", tiếp tục thực hiện hành vi.
Bà Nguyễn Thanh Phương - Giám đốc nhân sự một hãng thực phẩm ở TPHCM - cho hay, việc ứng phó với tình trạng nhân viên có tật "táy máy" ở công sở không hề đơn giản. Nhiều ông chủ khổ sở, thiệt hại đầy mình vì vấn nạn nhân viên ăn cắp.
Nhiều sự việc khi xảy ra mất mát lớn, khi được phanh phui mới lòi ra thủ phạm. Còn nạn trộm cắp ở công sở diễn ra muôn hình vạn trạng, vô cùng tinh vi. Chưa kể, nhiều trường hợp người tắt mắt không nhận ra hành vi của mình là... đang ăn cắp như cầm chiếc bút, tờ giấy, chiếc dập ghim, lấy văn phòng phẩm của công ty đem về nhà sử dụng.
"Tôi đã từng biết một số nơi có hẳn quy định nhân viên không được cầm giấy, bút của công ty đem về nhà. Quy định hơi cứng nhắc nhưng cũng phản ánh phần nào thực tế các doanh nghiệp rất đau đầu với vấn nạn này. Tuy nhiên, những quy định kiểu vậy thật ra chỉ phòng được người ngay chứ khó phòng được kẻ gian", bà Phương nói.
Theo bà Phương, trộm từ trong nhà không dễ đề phòng. Chống nạn ăn cắp phải bắt đầu từ công tác tuyển dụng, nắm kỹ hồ sơ, thông tin về ứng viên; tiếp đó là công tác đào tạo đến việc phổ biến văn hóa và các quy định của công ty một cách rõ ràng; quy trình công việc phải hết sức chặt chẽ...
Chưa kể, theo bà Phương, không chỉ về tài sản, ăn cắp còn có diễn ra ở mặt ý tưởng, chuyển giao công nghệ... rất khó đối phó.
Một khảo sát của Mỹ cách đây không lâu với 5.700 nhân viên về cách cư xử không đẹp ở công sở chỉ ra một trong vấn đề nhạy cảm và khó xử lý nhất là khi nhân viên... vào vai kẻ trộm. Việc nhân viên ăn cắp tài sản của công ty không còn là thiểu số mà diễn ra với nhiều hình thức gây thiệt hại cho công ty cũng như làm hủy hoại đạo đức nhân viên.
Hành vi lấy trộm tài sản công ty là hành vi vi phạm kỷ luật lao động. Theo Điều 124 Bộ luật Lao động 2019 thì hiện nay có 4 hình thức xử lý kỷ luật lao động như:
- Khiển trách.
- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng.
- Cách chức.
- Sa thải.
Ngoài ra, tùy trường hợp, người có hành vi trộm cắp tài sản công ty còn có thể bị truy cứu hình sự về tội trộm cắp tài sản.