Công ty dược liệu "mất hút", hơn 100 hộ dân vùng trồng sả lao đao
(Dân trí) - Sau khi ký kết hợp đồng với một công ty dược liệu, hơn 100 hộ dân Hà Tĩnh mua giống và phân bón trồng, chăm sóc cây sả. Thế nhưng, thời gian thu hoạch đã qua 3 tháng, doanh nghiệp vẫn "bặt vô âm tín".
Những ngày qua, hơn 100 hộ dân ở 2 xã Kỳ Tây và Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) như "ngồi trên đống lửa" vì cây sả đã quá kỳ thu hoạch nhưng doanh nghiệp liên kết không xuất hiện, thu mua.
Theo người dân phản ánh, cuối năm 2022, họ ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây sả chanh làm nguyên liệu với Công ty TNHH Dược liệu Trương Dương (đóng tại tỉnh Thanh Hóa).
Theo cam kết giữa hai bên, người dân mua cây sả giống về trồng, đến kỳ thu hoạch, công ty sẽ thu mua sản phẩm.
Từ tháng 3, các hộ dân bắt đầu trồng sả. 6 tháng sau, cây sả đến kỳ thu hoạch nhưng phía Công ty TNHH Dược liệu Trương Dương không về thu mua sản phẩm cho bà con theo như cam kết ban đầu.
Đến nay, cây sả đã qua vụ thu hoạch 3 tháng, quá chu kỳ phát triển nên bắt đầu chết dần, năng suất giảm.
Bà Trần Thị Khoát (71 tuổi, trú thôn Trung Xuân, xã Kỳ Tây) cho biết, gia đình đầu tư 2,6 triệu đồng tiền giống, phân bón và trồng sả trên diện tích 2 sào (khoảng 1.000m2).
"Mỗi hộ chúng tôi bỏ ra 2-3 triệu đồng mua cây giống, phân bón. Cây sả phát triển tốt nhưng đã quá kỳ thu hoạch, doanh nghiệp không về thu mua. Nếu không bán được, bà con chúng tôi sẽ thiệt hại về vốn và công sức chăm sóc trong suốt nhiều tháng qua", bà Khoát bức xúc.
Tương tự, tại xã Kỳ Lạc, hàng chục hộ dân địa phương này cũng ký hợp đồng hợp tác trồng sả dược liệu với Công ty TNHH Dược liệu Trương Dương, diện tích khoảng 10ha.
Theo bà Hoàng Thị Ái Sa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Tây, địa phương có hơn 80 hộ ký hợp đồng trồng sả dược liệu với Công ty TNHH Dược liệu Trương Dương, mỗi hộ trồng 1-2 sào.
Sau khi bà con phản ánh về vấn đề trên, UBND xã Kỳ Tây đã gửi văn bản cho Công ty TNHH Dược liệu Trương Dương theo địa chỉ trong hợp đồng với nội dung yêu cầu thực hiện cam kết thu mua sả cho bà con nông dân.
Tuy nhiên, xã sau đó nhận được điện thoại của nhân viên bưu điện thông báo rằng phía Công ty TNHH Dược liệu Trương Dương luôn đóng cửa, không có người nhận thư.
Để tìm cách hỗ trợ người dân, UBND xã Kỳ Tây đang liên hệ với một đơn vị chế biến dược liệu ở thành phố Hà Tĩnh nhờ mua sả nhằm giúp bà con nông dân thu hồi vốn. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ mua với số lượng không đáng kể.
Theo các hộ dân, thời gian này, thời tiết thất thường và hay có mưa. Nếu không bán được kịp thời, cây sả sẽ lụi tàn, chết dần và buộc phải cắt bỏ.