Công ty bạn có giống chợ cá?
Bạn đi làm, có bao giờ tự hỏi: “Triết lý công ty của mình là gì nhỉ? Mà nó có mang lại cho mình cái quái gì không?”.
Chợ cá tưng bừng
Lần đầu tiên ghé vào thăm nơi làm việc của chị bạn, làm admin văn phòng một công ty thuộc tập đoàn Unilever, tôi đã khá bất ngờ vì cơ man nào là cá. Cá trên giấy dán tường, cá trên dụng cụ văn phòng, cá trên tách chén.
Và trên bảng chấm công, thay vì những cái tên chiếu theo giấy khai sinh, lại là các nickname có thể tập hợp thành một "liveshow cá": cá vược, cá thần tiên, cá bống, cá thờn bơn, cá mập...
Hỏi mới biết, Unilever Foodsolution (cũng như những cái tên đại gia khác như Microsoft, P&G, Abbott Labs, Ford, Johnson & Johnson, Prudential, AAA, Sprint, Estée Lauder, Southwest Airlines, AT&T, Arrow Electronics UK Ltd., Harley-Davidson...) đã chọn "triết lý chợ cá" làm chiến lược cho việc xây dựng tinh thần làm việc của nhân viên trên toàn cầu.
Triết lý từ khu chợ cá đã nói rằng thái độ đối với công việc mới là điều quan trọng, là cái ta có thể lựa chọn mà không mất tiền, và nó biến một nơi làm việc tẻ ngắt thành một nơi đáng sống, tạo ra bầu không khí vui nhộn, thoải mái, biến bản thân công việc thành một phần thưởng chứ không phải lấy kết quả công việc làm phần thưởng.
Chị bạn tôi say sưa giảng giải về triết lý của công ty mình. Và từ cái triết lý ấy, tất cả mọi người, từ chị nhân viên kinh doanh mới toanh, tới vị giám đốc đứng đầu đều chọn cho mình một nickname cá. Dù là giám đốc hay nhân viên kinh doanh, thì anh cũng là một con cá trong đại dương, mỗi con đều có một công việc, một cuộc sống riêng của mình. Và bởi thế, "đàn cá" trong đại dương đó con nào cũng vui vẻ với vai trò của mình.
“Đồng phục” tinh thần
Triết lý chợ cá là triết lý tìm niềm vui trong công việc, trong cuộc sống. Ở khu chợ cá Pike (Seattle, Mỹ), trái với liên tưởng về sự lầm lũi, đây đó vang lên những tiếng sảng khoái. Thay vì chỉ làm công việc một cách đơn điệu theo quán tính, những chàng bán cá ở đây đã đùa vui, làm trò với những con cá.
Một chàng vừa ném cá vừa rao to: “Một chú cá hồi đang bay tới Minnesota”. Chàng khác thì đùa nghịch cho người ta thấy con cá đang cử động miệng như nói chuyện. Những nhân viên khác vừa tính tiền vừa vui vẻ nói chuyện về những chú cá.
Từ "cá" chuyển sang... cà phê, không hề liên quan đấy! Mỗi lần ra nước ngoài, tôi lại tìm đến một quán Starbucks bởi cái không gian ấm cúng, những con người thân thiện rì rầm nói chuyện.
Và đặc biệt, Starbucks nơi nào, dù Nhật Bản, Singapore hay Malaysia, cũng mang lại một cảm giác chung. Có cái gì giống nhau đến vậy, ngoài những chiếc logo màu xanh giản dị?
Nghiệm mãi, mới thấy rằng, phải chăng là những ánh mắt tràn đầy tình yêu của mỗi nhân viên trong cửa hàng? Tôi nhớ tới cuốn sách Rót cả tâm hồn vào đáy cốc của một trong những cha đẻ của Starbucks - ông Howard Schultz.
Tựa đề ấy cũng trở thành một trong những triết lý hoạt động của Starbucks, đã là nhân viên của Starbucks, nghĩa là người mang tình yêu gửi vào công việc. Để dù ở đâu, người ta cũng cảm nhận được tâm hồn trong từng giọt cà phê.
Không chỉ Unilever, Starbucks, mà triết lý ấy với L'Oreal là “You're worth it - Bạn xứng đáng với điều đó”; IKEA - Hãy làm cuộc sống tốt đẹp hơn từng ngày từng ngày cho tất cả mọi người; Samsung - Công ty là con người - con người là công ty...
Tôi từng nghĩ "triết lý công ty" là một cụm từ quá xa vời, chỉ dành cho các vị đầu não. Nhưng dần dần nhận ra, đó chính là kim chỉ nam của từng thành viên. Về một mặt nào đó, nó có thể được hiểu như một dạng “văn hoá công ty”, Thanh Phong - nhân viên công ty Samsung nói.
Bạn nghĩ gì về triết lý công sở? Tôi thì cho rằng, đó là sự gắn kết đầu tiên - về mặt hình thức - giữa người với người trong một môi trường làm việc. Nó là dấu hiệu để bạn nhận biết những người cùng sở, để hiểu rằng tất cả cùng chung một mục tiêu. Nó tạo nên một sự gắn kết ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng cao hơn sự gắn kết về hình thức ấy, chính là sự gắn kết về tinh thần. Đó chính là lý do mỗi công ty đều xây dựng một triết lý riêng cho mình. Nó như một bộ đồng phục về tinh thần, nó kết nối mọi người, kể cả khi không có đồng phục về hình thức.
Và bạn, nếu đang phỏng vấn xin việc hay bắt đầu bước vào một môi trường làm việc mới, hãy đặt câu hỏi đầu tiên: "Triết lý công ty là gì?".
Theo Sài Gòn Tiếp Thị