1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Công nhân trên công trường có phải mua bảo hiểm bắt buộc?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Rất nhiều tai nạn thương tâm trên các công trường xây dựng, tuy vậy, không ít đơn vị thi công vẫn ngó lơ quyền lợi của người lao động.

Thi công trên công trường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro tai nạn nghiêm trọng nên ngoài bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động thực hiện công việc tại đây còn bắt buộc phải mua bảo hiểm cho hoạt động thi công trên công trường.

Gần đây nhất, vào ngày 2/1, một nam thanh niên 30 tuổi đang thi công công trình xây dựng ở Tây Ninh thì bị ngã từ giàn giáo xuống đất. Thanh niên này ngã trúng một thanh sắt, bị đâm xuyên qua vùng cổ và hàm dưới. Những tai nạn như thế này rất nguy hiểm và cần số tiền lớn để điều trị.

Công nhân trên công trường có phải mua bảo hiểm bắt buộc? - 1

Thi công trên công trường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro tai nạn (Ảnh minh họa: Hoàng Giám).

Căn cứ Điều 21 và Điều 25 Thông tư 50/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động khi họ thực hiện công việc thi công trên công trường theo quy định pháp luật.

Số tiền bảo hiểm tối thiểu trong trường hợp bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường là 100 triệu đồng/người/vụ.

Theo Điều 22 của thông tư này, khi xảy ra tai nạn khiến người lao động bị thương tật, chết, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường thì nhà thầu có trách nhiệm bồi thường cho người lao động. Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có trách nhiệm bồi thường lại cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền trên.

Theo Điều 23 Thông tư 50/2022/TT-BTC, thời hạn bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc thi công trên công trường đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định pháp luật.

Việc xác định thời hạn bảo hiểm cụ thể căn cứ vào hợp đồng lao động và văn bản xác nhận của nhà thầu thi công xây dựng về thời gian người lao động làm việc thực tế trên công trường.

Theo Điều 26, khi người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả những khoản tiền theo thỏa thuận giữa nhà thầu thi công và người lao động hoặc đại diện hợp pháp của người lao động (trong trường hợp người lao động đã chết).

Các khoản chi trả bảo hiểm bao gồm: Phụ cấp nghỉ việc trong thời gian điều trị theo chỉ định của bác sĩ điều trị; Chi phí y tế thực tế… Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm không vượt quá tổng số tiền bảo hiểm quy định trong hợp đồng bảo hiểm.

Trong đó, phụ cấp nghỉ việc trong thời gian điều trị theo chỉ định của bác sĩ điều trị được tính căn cứ vào mức tiền lương theo hợp đồng lao động nhưng không vượt quá 6 tháng lương trong mỗi sự kiện bảo hiểm.

Chi phí y tế thực tế bao gồm: chi phí cấp cứu, chi phí điều trị nội, ngoại trú cần thiết và hợp lý nhưng không vượt quá 100 triệu đồng/người/vụ.

Trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%, mức bồi thường cụ thể cho từng loại thương tật, thiệt hại về người được xác định theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động.

Trường hợp người lao động bị chết hoặc suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn 81% trở lên, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả 100 triệu đồng/người/vụ.

Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng TẠI ĐÂY.