Công nhân ở nhà lầu

Công nhân được ở nhà lầu, xài máy giặt, máy sấy, lò vi ba... miễn phí. Chuyện khó tin nhưng có thật tại Công ty Nissei (Nhật Bản, chuyên về điện tử) đóng tại Khu chế xuất Linh Trung, TPHCM.

Nằm mơ cũng không thấy!  

Bạn Nguyễn Thị Yến, công nhân 24 tuổi, nói: “Ở đây thật quá tuyệt vời! Trước đây tụi em có nằm mơ cũng không thấy được”. Theo Yến, mỗi công nhân ở đây chỉ phải đóng 20.000 đồng/tháng tiền vệ sinh, còn lại không phải trả bất cứ đồng nào. Một nữ công nhân khác khoe: “Nhờ vào đây, tụi em mới biết sử dụng máy giặt, máy sấy... chứ ở nhà trọ thì quê thấy mồ”.

 

Chỗ ở tuyệt vời mà họ đề cập là hai khối nhà năm tầng cao ráo, sạch sẽ, mát mẻ giống như những khu chung cư cao cấp tại TPHCM. Mỗi tầng lầu được ngăn thành nhiều phòng, mỗi phòng cho sáu người ở với sáu chiếc giường. Tại mỗi tầng có một khu vệ sinh tập trung với nhiều phòng tắm, máy sấy, máy giặt đời mới, máy nước nóng lạnh… phục vụ công nhân. Ở đây, việc quét dọn lau chùi cũng có người phục vụ.

 

Bên cạnh hai khối nhà ở là khu nhà chung gồm căngtin, phòng sinh hoạt tập thể có tivi màn ảnh rộng. Ngoài bữa ăn tại công ty, tại căngtin, chỉ với 5.000 đồng mỗi công nhân được ăn cơm theo nhu cầu với canh, rau và các món mặn tự chọn. 

 

Để thu hút công nhân 

 

TPHCM hiện có 15 khu chế xuất - khu công nghiệp với trên 185.000 công nhân lao động tập trung. Hơn 70% số công nhân đó có nhu cầu về nhà ở nhưng tính đến nay, hệ thống này và trong nhân dân mới tạo ra được khoảng 12.000 chỗ ở, phần lớn là tạm bợ, không theo tiêu chuẩn nào.

Giới thiệu với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thu Thảo (phòng hành chính - nhân sự của Nissei) gọi đây là “khu lưu trú cho công nhân”, hiện phục vụ 1.000 nữ công nhân. Theo chị Thảo, với khu lưu trú trên, Nissei đã đầu tư hơn 2,6 triệu USD (hơn 35 tỉ đồng).

 

Mới đây, đoàn giám sát của đại biểu Quốc hội TPHCM và đoàn thị sát của HĐND TP đã đến khu lưu trú của công nhân Nissei. Tất cả đều tỏ ra ngạc nhiên và thích thú trước hình ảnh lạ mắt tại đây. Có người trong đoàn còn nói vui: “Sau khi quan sát tự nhiên muốn xin vào làm công nhân Nissei!”.

 

Chị Nguyễn Thị Thu Thảo giải thích: công ty muốn công nhân có được chỗ ở ổn định, sạch sẽ, chất lượng hơn so với những khu nhà trọ tạm bợ với điều kiện vệ sinh, môi trường quá kém, sức khỏe công nhân luôn bị đe dọa. Xa hơn, công ty không giấu ý định khi xem đây là điều kiện để cạnh tranh thu hút lao động.

 

“Nếu công ty có sẵn chỗ ở với nhiều trang bị phục vụ như trên sẽ làm cha mẹ, gia đình và chính các bạn công nhân yên tâm, mạnh dạn đến với công ty và điều đó đã trở thành hiện thực trong năm nay. Chỗ ở ổn định cũng là điều kiện để giữ chân công nhân” - chị Thảo nói.

 

Không hồi âm

 

Lãnh đạo TPHCM đánh giá rất cao nỗ lực của Nissei và coi đây như là mô hình mẫu để tham quan, tham khảo.

 

Theo chị Nguyễn Thị Thu Thảo, ban đầu Nissei dự định sẽ xây dựng nhiều khu lưu trú để phục vụ tất cả 6.000 công nhân của mình. Tuy nhiên dự án đó đã phải ngưng lại. Nguyên nhân, sau khi thí điểm hai khối nhà nói trên, xét thấy có nhiều vấn đề rất chính đáng cần được xem xét, hỗ trợ như tiền thuê đất, tiền thuế... nên Nissei đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng trong đó có Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư nhưng không thấy hồi âm.

 

Theo qui định, khi đầu tư vào khu chế xuất, công ty được miễn thuế nhập khẩu vật tư xây nhà xưởng. Nhưng thực tế vật tư, vật liệu, vật dụng xây dựng, trang bị cho nhà ở của công nhân vẫn bị đánh thuế. Toàn bộ các chi phí trong khu lưu trú công ty đều gánh, nhưng không được tính vào chi phí sản xuất hợp lý.

 

Ông Vũ Văn Hòa, trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP, cũng xác nhận đến nay các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây nhà cho công nhân là... chưa có gì mặc dù TP đã kiến nghị từ đầu năm 2005. Trong khi đó các nhà đầu tư muốn tự xây cư xá cho công nhân ở miễn phí thì gặp quá nhiều khó khăn vì chưa có qui chế. 

 

Theo Tuổi Trẻ