Công đoàn: Có nơi chỉ tồn tại theo hình thức

(Dân trí) - Mặc dù công đoàn là người đại diện cho người lao động ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động song ở nhiều doanh nghiệp, vai trò của công đoàn chỉ ở dạng hình thức.

Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 540.000 DN, thu hút hàng triệu lao động vào làm việc. Tuy nhiên, số DN có thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể  khu vực FDI chiếm 64% và khu DN ngoài Nhà nước là 59%. Trong khi đó,  số DN có tổ chức công đoàn chỉ đạt   60%  số DN có đủ điều kiện thành lập tổ chức CĐ.

 Nhìn nhận vấn đề nàyông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cho rằng, quan hệ lao động ở doanh nghiệp chủ yếu thông qua hợp đồng lao động giữa cá nhân NLĐ với người sử dụng lao động và Thỏa ước lao động tập thể. Mặc dù công đoàn là người đại diện cho người  lao  động ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động song ở nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động vẫn chưa tôn trọng văn bản dưới luật này. Hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động chủ yếu là vi phạm về hợp đồng lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, tiền thưởng, định mức lao động, bảo hiểm…

Theo phân tích của chuyên gia, thực tế trong các cuộc tranh chấp lao động thời gian qua cho thấy hầu hết các công nhân đều cho rằng họ đã bị chủ DN sử dụng theo kiểu "vắt chanh bỏ vỏ" bằng cách khéo léo lách luật, sử dụng lao động thời gian ngắn. Khi hết hợp đồng hoặc người lao động giảm sút về sức khỏe, về năng suất lao động, doanh nghiệp sẵn sàng tìm cách buộc người lao động phải nghỉ việc. Trong khi đó, vai trò của công đoàn nơi họ làm việc hầu như không thể hiện. Chính vì thế,  người lao động đã tự nhóm họp, tìm cách đối phó bằng các cuộc tranh chấp lao động tập thể.
 
Mặc dù không ít lao động khẳng định, bản thân họ không muốn tham gia tranh chấp lao động, nhưng đứng trước thực tế là  mức lương không đủ sống, nên trước sau cũng phải nghỉ việc để tìm công việc mới, với mức lương cao hơn. Vì vậy, họ lựa chọn phương án nếu tham gia tranh chấp lao động mà có được thêm quyền lợi thì họ sẽ tiếp tục công việc. Ngược lại, nếu thất bại sẽ chấp nhận tìm việc làm  mới. Chuyên gia nhận định, trong những sự việc như vậy, nếu cơ sở công đoàn thể hiện rõ vai trò, tổ chức gặp gỡ với chủ DN nhằm đưa ra hướng giải quết đáp ứng quyền lợi của cả hai bên thì sẽ có nhiều vụ tranh chấp lao động được giải quyết ổn thỏa, giảm thiểu thiệt hại.

P. Thanh- D. Hải