Cơn sốt làm giàu siêu tốc

Sự náo nhiệt của thị trường chứng khoán New York đang phải nhường ngôi cho những trang web ảo. Những động tác cổ điển trong giao dịch chứng khoán đang bị thay thế bởi một cái click chuột máy tính. Chơi chứng khoán trên mạng đang đẩy cả nước Mỹ vào cơn sốt làm giàu mới.

So với các tiêu chuẩn thông thường ở Mỹ thì Bill Frantz không nghèo đói gì. Ở tuổi 31, anh chàng kỹ sư điện của tập đoàn General Motors này hưởng lương 60.000 USD. Anh có 2 xe hơi và thường đi lại ở Cancun vào mỗi tháng 7.

Nhưng Bill luôn bị giày vò bởi một cảm giác giống như là sự đố kỵ: một bạn thân của anh đã tới California và ăn nên làm ra bằng chứng khoán. Một người bạn học khác vừa tậu được một du thuyền riêng nhờ đặt cược vào đúng thời điểm chứng khoán đang lên giá.

Những thành công của họ ở môi trường kinh doanh ảo chứng tỏ một sự thật: họ đang có "hai dấu chấm" (kiểu viết tắt hiện thời cho thu nhập hàng triệu USD) và đang sửa soạn nghỉ hưu sớm. Còn Bill vẫn chỉ có một.

Nước Mỹ ngày nay đang tràn ngập chuyện nhà giàu mới nổi, kiểu 1 lái xe tải chơi chứng khoán và rồi sở hữu 1 hòn đảo hay 1 kỹ sư nguyên tử ứng dụng kỹ năng phân tích của mình vào những con số trên mạng mà đủ tiền để ngao du 5 năm trên biển.

Trong các hiệu sách, Best-sellers Tỷ phú hàng xóm đang giành giật chỗ bày với cuốn Những tỷ phú trên hè phố. Trên mặt báo, các phóng viên thay nhau tán dương chuyện các điều hành viên của những trang web mới thành lập giàu lên qua hàng đêm.

Những câu chuyện như vậy đã làm dấy lên 1 làn sóng chơi chứng khoán trên mạng. Trên trang web Forbes.com, một anh chàng đang cười rất tự mãn trong một mẩu quảng cáo có slogan đầy hấp dẫn: "Sống không bằng lương, mặc quần đùi cũ, chủ tịch điều hành - nhà tỷ phú trên giấy tờ!".

Nền kinh tế Internet đã biến những giấc mơ làm giàu thành mục tiêu không gì ngăn cản nổi. Và sự giàu xổi này đang thổi tung tâm lý nước Mỹ. Nó tạo ra thứ cảm giác hoang mang bất ổn tới từng người - những người đang không biết làm gì để chạm tới một người hùng trong chính mình.

Robert B.Reich, giáo sư ĐH Brandeis nói: "Lần đầu tiên trong kỷ nguyên hậu chiến có nhiều người giường như chẳng vất vả gì mà trở nên giàu đến vậy". Cái thay đổi ghê gớm nhất không phải là lượng các nhà giàu mới, mà là phương thức để trở thành 1 trong số họ.

Con đường xưa cũ dẫn tới thành công - bằng mồ hôi nước mắt và sự bền chí bền gan - đã không còn sáng lạn nữa. Thời điểm và vận may chưa bao giờ đóng vai trò quan trọng như lúc này. Các con số nhảy nhót: trong khoảng 10 năm nay, số hộ gia đình Mỹ sở hữu chứng khoán nhảy vọt từ 31,7% lên 41,1%.

Những câu chuyện giàu lên qua đêm đã và đang dấy lên rất nhiều ảo mộng. Công việc ngon lành với mức lương khởi điểm 100.000 USD/năm giờ chỉ là cách thức kiếm tiền chậm chạp. Sinh viên Mỹ đang cạnh tranh gay gắt để có cơ hội trở thành triệu phú ở tuổi 20.

Hậu quả là cả trường học lẫn những hãng lớn đều không thể "níu giữ nhân tài". Kẻ đắc lợi là các công ty Internet.

Joe Kenedy, một điều hành viên sáng giá vừa rời bỏ GM sau 18 năm làm việc để gia nhập E-Loan, một công ty chuyên thiết lập các khoản vay điện tử, với tư cách là giám đốc tiếp thị.

Joe đã sẵn sàng mức lương ổn định 500.000 USD/năm để đổi lấy 1 lượng cổ phiếu trung bình trong E-Loan và những cơ hội vẫn còn đang ở dạng tiềm năng.

Buôn bán chứng khoán không phải là một trò xổ số chỉ thuần túy dựa vào may rủi. Nó là một cuộc chơi đòi hỏi rất nhiều kiến thức và kỹ năng - điều mà không phải ai cũng có. Giá cả chứng khoán điên rồ và cơn sốt làm ăn trên mạng không thể kéo dài lâu.

Trong quá trình "may rủi hóa thời đại" này, rất ít doanh nhân vừa khởi nghiệp thực sự gắn bó với công ty ảo do chính tay họ tạo dựng nên. Họ chỉ cố gắng làm sao có một món hời thật lớn, hưởng thụ cuộc sống và lại tiếp tục với những ý tưởng mới.

"Người ta không thể xây dựng một xã hội lớn lao hoặc một nền kinh tế ổn định lâu dài trong môi trường kiểu như vậy", giáo sư Jim Kock thuộc ĐH Santa Clara nói.

Các nhà môi giới còn phết lớp nước bóng đầy hấp dẫn lên những gương mặt làm giàu chớp nhoáng. Tờ Fortune đăng tin: "Ngay cả Barbra Streisand cũng đang buôn bán chứng khoán chính thống. Bà đã biến 1 triệu USD đầu tư từ người bạn Dona Karan thành 1,8 triệu USD chỉ sau 5 tháng".

Con sốt làm giàu siêu tốc vẫn tiếp tục tăng nhiệt. Trong cuốn sách Tham lam là điều tốt, một chàng trai trẻ đã kể lại chuyện mình bị mê hoặc bởi cơn sốt này. "Ý nghĩ rằng có thể kiếm tiền mà không cần thực sự làm lụng nhiều đã kích hoạt tôi đến một điểm vô cùng", anh nói. Rất nhiều người Mỹ cũng đang lao đến điểm vô cùng đó.

Theo Sành Điệu