Con làm nghề "lông bông", cha mẹ liệu có nên đau khổ?
(Dân trí) - Mỗi lần có người hỏi, con làm nghề gì, ở đâu cô Ngân lại vô cùng đau khổ. Con gái cô ăn rồi đi lông bông khắp nơi, dù kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng, bố mẹ vẫn vui không nổi.
Con bỏ việc hành chính, ăn rồi đi... chơi
Cách đây gần ba năm, khi con tốt nghiệp ngành kế toán, vợ chồng cô Ngân (Nghệ An) dùng các mối quan hệ để xin cho con vào làm việc ở một doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Lúc đầu, Thủy - con gái cô - không đồng ý. Nhưng trước áp lực lẫn công sức của bố mẹ, Thuỷ đành chấp nhận thử sức một lần.
Làm được nửa năm, Thủy xin nghỉ việc, quay lại Sài Gòn trong sự ngỡ ngàng của bố mẹ và mọi người. Với họ, đó là một công việc an nhàn, thu nhập ổn mà bao nhiêu người mong muốn.
Thủy có khả năng chụp ảnh, check in, giới thiệu rất hấp dẫn về các địa điểm, quán ăn... từ hồi sinh viên. Cô thử sức với công việc hành chính nhưng bức bí. Không hợp, cô quay lại với sở thích bằng công việc "trải nghiệm khách hàng" về các địa điểm, món ăn...
Ngoài ra, cô cũng lập ê kíp quay phim, giới thiệu về du lịch, ẩm thực cả trong và ngoài nước, bán lại cho các công ty truyền thông, đăng tải trên Youtube... Cô thỏa sức vùng vẫy với khả năng, sở thích của mình, lại có nguồn thu nhập khá.
Chỉ có bố mẹ cô vẫn hết sức đau khổ và có cảm giác xấu hổ vì con gái lông bông không công ăn việc làm. Với họ công việc là phải có cơ quan, có lương ổn định, nhất là phải có lương cho tuổi già.
Mỗi khi có người hỏi, con làm gì nghề gì, ở đâu thì mẹ cô lại gọi điện cho con gái trách móc, đay nghiến.
Bỏ việc hành chính, công việc lương cao để "xách ba lô lên và đi", chia sẻ các trải nghiệm của bản thân về du lịch, văn hóa, mua sắm, ẩm thực... là lựa chọn của không ít bạn trẻ ngày nay.
Người lớn không bắt nhịp kịp ngành nghề của giới trẻ
Du học ở nước ngoài về, làm quản lý cho một nhãn hàng mỹ phẩm nổi tiếng ở TPHCM một thời gian, Nguyễn.Đ. Đ., ở Cà Mau gây "sốc" cho bố mẹ khi nghỉ việc để trở thành chàng trai bán tôm, mắm.
Anh bán tôm, mực, cá, cua, từ đồ tươi đến đồ khô... qua online, phân phối đi khắp nơi. Sản phẩm quê nhà, được Đ. giới thiệu qua những clip, hình ảnh rất hấp dẫn rất đẹp mắt, thu hút.
Thu nhập hàng tháng của Đ. cả trăm triệu đồng. Nhưng với anh, không phải là chuyện tiền, về quê, được hít hà mùi tôm cua, mùi mặn của biển, khí trời... quan trọng hơn nhiều.
"Với thế hệ trước, công việc với mục đích chính để kiếm tiền, để về già có lương...Nhưng với người trẻ, công việc không chỉ để kiếm tiền mà còn là sở thích, đam mê, lý tưởng, khẳng định dấu ấn cá nhân...", Nguyễn Đ.Đ
Chỉ có bố mẹ anh vẫn rầu lòng về đứa con đi du học lại làm công việc không có tên gọi, chức danh, địa vị. Họ ngại ngần khi nói con làm nghề bán hàng online.
ThS giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương kể khi họ thiết kế các chủ đề nghề nghiệp cho các bạn trẻ, đã cập nhật những nghề mà cách đây 5 - 7 năm, chính bản thân bà... không thèm gọi đó là một nghề.
"Như stylist, blogger, youtuber, hay quản lý trải nghiệm khách hàng... Lúc đó, tôi nhìn nhận là mấy thứ làm cho vui, không xem đó là nghề nghiệp. Nhưng giờ đây, tôi phải công nhận đó là một nghề", bà Phương nói.
Theo bà Phương, việc học hành, nghề nghiệp hiện tại và tương lai sẽ thay đổi rất nhiều. Không ai có thể dự đoán được những công việc, những nghề nào sẽ bị máy móc, công nghệ thay thế, những nghề mới nào sẽ xuất hiện.
Cách nhìn nhận, định hướng, mong muốn về công việc trong khuôn khổ ngành nghề phải ở ngành này, sở nọ, ngày làm 8 tiếng, nhận lương... của bố mẹ có thể không còn phù hợp với nhiều bạn trẻ.
Sẽ rất khiên cưỡng nếu bố mẹ định hướng cho con nghề này sẽ hot, nghề này kiếm ra nhiều tiền. Đó chỉ là dự đoán ở hiện tại, còn tương lai, chúng ta không thể đoán được.